Tỉnh Nghệ An đang khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn đàn gia súc trước nguy cơ đe dọa của dịch bệnh.
Gia súc cần được bảo vệ trước những nguy cơ của mùa dịch bệnh. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN |
Bắt đầu từ tháng 1/2015, tỉnh thành lập đoàn công tác với sự tham gia của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương và các ngành liên quan trong tỉnh đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch gia súc tại các xã có nguy cơ cao; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh ở các xã để người dân hiểu và tự giác chấp hành, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đã mở đợt ra quân, với sự tham gia của các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an, thanh tra giao thông để tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, lưu thông gia súc, sản phẩm gia súc, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chi cục Thú y Nghệ An cho biết, từ đầu tháng 11/2014 đến nay, trên địa bàn cả nước dịch lở mồm, long móng trên gia súc đã xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Lao Cai, Yên Bái. Riêng trên địa bàn Nghệ An xảy ra ổ dịch lở mồm, long móng tại các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành, Quế Phong và thành phố Vinh.
Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh chủ yếu do đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng, mầm bệnh tồn tại trong động vật khỏe mang trùng chiếm tỷ lệ cao; công tác giám sát phát hiện dịch ở một số địa phương chậm; vẫn còn tình trạng con giống chưa sạch bệnh vẫn được cung cấp cho nông dân...
Hiện nay, do thời tiết ẩm ướt, lạnh, tại Nghệ An, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xuất hiện, bùng phát trên đàn gia súc là rất cao. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, nếu dịch bệnh xuất hiện, thiệt hại cho ngành chăn nuôi và nông dân trên địa bàn tỉnh rất lớn, kéo theo nhiều nguy cơ không an toàn cho những đợt nuôi tiếp theo. Vì vậy, công tác phòng chống dịch trên đàn gia súc được tỉnh Nghệ An coi trọng.
Để gắn trách nhiệm, phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch, tỉnh Nghệ An quy định, Chủ tịch UBND cấp huyện là người chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc giám sát, phát hiện, báo cáo dịch chậm để dịch lây lan ra diện rộng.
Nghệ An là địa phương trọng điểm trong chăn nuôi gia súc. Hiện tỉnh có đàn trâu trên 296.241 con, đàn bò 391.190 con. Chăn nuôi gia súc phát triển ở hầu khắp các huyện trong tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, chăn nuôi ở tỉnh nhìn chung vẫn còn theo tập quán lạc hậu; ý thức phòng chống bệnh cho gia súc của người dân còn hạn chế. Mặt khác, Nghệ An còn là trung tâm vận chuyển, mua bán gia súc, nhiều loại gia súc chưa rõ nguồn gốc vẫn được vận chuyển qua địa bàn. Trong khi đó, ngành thú y tỉnh còn hạn chế về số lượng, chất lượng nguồn lực. Đây là những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên đàn gia súc ở địa phương hiện nay.
Nguyễn Văn Nhật/TTXVN