Ngày đầu tiên 'siết' kinh doanh vàng miếng

Ngày đầu tiên thực hiện quy định mới về kinh doanh vàng (10/1), giá vàng miếng SJC đã liên tục giảm mạnh. Giao dịch vàng miếng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội khá ảm đạm so với những ngày trước đó.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối (NHNN) nhận định: Thị trường vàng không có đột biến về giá và lực cầu do thị trường vàng trong nước thời gian qua khá trầm lắng. Tuy nhiên, NHNN vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng.

 

Giá và lực mua đều giảm

 

Sáng 10/1 giá vàng SJC trong nước đã giảm hơn 200.000 đồng mỗi lượng so với hôm 9/1. Tại thời điểm 9 giờ 30 phút, giá mua vào vàng SJC tại Tp Hồ Chí Minh chỉ còn 46 triệu đồng/lượng và bán ra là 46,3 triệu đồng/lượng.


Còn tại Hà Nội, giá mua vào là 46,15 triệu đồng/lượng và bán ra là 46,25 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng so với ngày 9/1. Đại diện Bảo Tín - Minh Châu cho biết: Khoảng cách giữa giá SJC và giá thế giới sáng 10/1 đã co hẹp về 4,6 triệu đồng/lượng, thay vì 4,9 triệu đồng như đầu tuần. Trong 3 ngày qua, giá niêm yết vàng của doanh nghiệp trong nước đã điều chỉnh giảm mạnh hơn so vói giá vàng quốc tế.


 

Gian hàng chuyên bán vàng miếng của Bảo Tín Minh Châu đã được thay thế bằng vàng trang sức.

 

Mặc dù giá vàng giảm nhưng lực mua cũng không mạnh. Theo khảo sát của phóng viên Tin Tức tại một số cửa hàng vàng nhỏ ở TP Hồ Chí Minh, rất ít người đến hỏi mua vàng miếng; nếu có, các cửa hàng vàng cũng từ chối vì sợ bị phạt do không nằm trong danh sách được cấp phép bán.


Tuy nhiên, những điểm này lại tư vấn khách hàng nên mua nhẫn trơn (vàng nữ trang) thay vì vàng miếng để tích trữ. Chị Hà, chủ cửa hàng vàng Hà Anh – đường Lê Thánh Tôn (quận 1- Tp. Hồ Chí Minh) cho biết: “Cách đây một tuần, chị đã ngưng giao dịch vàng miếng.

 

Chỉ những người mua vàng miếng của cửa hàng chị trước đó, có nhu cầu bán lại thì mới thu mua. Hiện cửa hàng tập trung cho nữ trang, trong đó chủ yếu là nhẫn trơn vì nhu cầu người mua cao, dễ mua và bán, cũng như không phải lo tìm chỗ mua, bán như vàng miếng”.


Trong khi đó, tại cửa hàng vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh - TP Hồ Chí Minh), một trong những cửa hàng vàng tư nhân được cấp phép bán vàng miếng tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng cũng ảm đạm.


Theo đại diện cửa hàng này, trước ngày thực hiện quy định quản lý vàng miếng vài ngày, thị trường vàng cũng không có gì biến động. Phần lớn khách đến mua nhẫn trơn, vàng trang sức do cuối năm là mùa cưới.


Khảo sát tại Hà Nội chiều 1/10, ghi nhận của phóng viên cho thấy: Một số ngân hàng, cửa hàng được cấp phép kinh doanh vàng miếng đã treo biển hiệu, băng rôn hoặc công khai Giấy chứng nhận để khách hàng dễ nhận biết. Tại phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) vào trưa 10/1, lượng khách giao dịch ở các cửa hàng vàng diễn ra bình thường. Phần lớn khách hàng tới xem và lựa chọn vàng trang sức phục vụ cho mùa cưới và dịp Tết.


Sẽ không có đột biến về giá


Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối (NHNN) nhận định: Thị trường vàng sẽ không có gì đột biến về giá và lực cầu do thị trường vàng trong nước thời gian vừa rồi trầm lắng. Theo ông Huy, có một số ý kiến cho rằng, quy định này sẽ khiến 6.000 điểm kinh doanh vàng phải đóng cửa nhưng thực tế họ không đóng cửa mà chuyển sang kinh doanh vàng trang sức như bình thường. “Người dân có đi mua vàng miếng với giá mấy chục triệu một lượng thì cũng phải đến những điểm có uy tín, được cấp phép chứ không thể "bạ đâu mua đấy" như trước nữa. Tôi cho rằng, không có vấn đề gì lớn nhưng NHNN vẫn theo dõi sát diễn biến nếu thấy có phát sinh vấn đề gì thì sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp (DN) xử lý ngay," ông Huy nhấn mạnh.


Theo Vụ Ngoại hối (NHNN), cần phải để mạng lưới kinh doanh vàng miếng vận hành một vài ngày nữa. Bước sau đó, NHNN sẽ tham gia vào thị trường với tư cách người mua bán cuối cùng, người kiến tạo thị trường, đảm bảo sự lưu thông. “Chúng tôi đã kiểm tra trên hệ thống và thấy một số DN “lách” quy định bằng cách đóng gói nhẫn tròn để bán, nhưng việc này không nhiều”, ông Huy nói.


Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, từ ngày 10/1, nếu cửa hàng nào không có giấy phép mà kinh doanh vàng miếng sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng theo Nghị định 95 ban hành năm 2011 của Chính phủ về xử phạt hành vi kinh doanh, mua bán vàng không đúng với quy định của pháp luật.


Theo một chuyên gia tài chính, dù vàng nhẫn trơn được nhiều người mua, nhưng việc kinh doanh mặt hàng này khó trở thành xu hướng trong thời gian tới do tính thanh khoản của nhẫn trơn không cao. “Cũng như vàng trang sức khác, nhẫn trơn mua tại DN nào thì chỉ có thể bán lại cho DN đó. Mặt khác, sắp tới đây, vàng trang sức cũng có thể tiếp tục chịu sự quản lý của NHNN. Theo đó, các điểm kinh doanh vàng sẽ còn tiếp tục bị thu hẹp, nhất là điểm kinh doanh vàng nhỏ lẻ và vùng sâu vùng xa. Mặt khác, sự chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước cũng là nguyên nhân khiến người dân không còn mặn mà tích trữ vàng miếng, thị trường vàng cũng mất dần tính hấp dẫn”, chuyên gia này cho biết.


Để tránh hiện tượng nhiều cửa hàng dù không được cấp phép nhưng vẫn lách luật kinh doanh vàng nhẫn (mà họ lách là vàng trang sức), chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Các cơ quan quản lý cần đưa ra những giải pháp xử lý việc kinh doanh vàng miếng trá hình. Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, vấn đề mua vàng nhẫn phải được giải quyết mau chóng, nếu không, việc lập lại trật tự cho thị trường vàng sẽ tiếp tục bị cản trở, vì những hành vi kiểu “tranh tối tranh sáng”.



Tin tức

Quyền lợi người dân vẫn được đảm bảo
Quyền lợi người dân vẫn được đảm bảo

Trong số các ngân hàng, công ty được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh vàng miếng, khá nhiều ngân hàng có tên tuổi ở Việt Nam đã tổ chức lại mạng lưới mua bán để bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN