Kiểm soát vàng miếng, 'miếng' về tay ai?

Kể từ ngày 10/1/2013, theo Nghị định 24/CP của Chính phủ, 70% cửa hàng kinh doanh vàng miếng trên thị trường chính thức bị xóa sổ. Như vậy, trong số hơn 8.000 cửa hàng đang kinh doanh vàng miếng hiện nay, chỉ có 14 doanh nghiệp (DN) và 17 tổ chức tín dụng (TCTD), với tổng cộng 2.400 điểm giao dịch trên cả nước được cấp phép mới.

Khách mua, bán vàng miếng tại Công ty vàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, một trong những đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Quy định trên nhằm hạn chế buôn lậu vàng, chống hiện tượng vàng nhái, vàng giả. Tuy nhiên đây là một thay đổi rất lớn của thị trường vàng miếng và có thể sẽ không tránh khỏi những “sự cố” phát sinh.

Theo Nghị định 24/CP, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần đầu tiên có trách nhiệm cấp phép hoạt động cho các đơn vị mua, bán vàng miếng. Những DN được phép kinh doanh phải đạt đủ các tiêu chuẩn như có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có từ 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán vàng; đã nộp từ 500 triệu đồng trở lên tiền thuế của hoạt động kinh doanh vàng trong 2 năm gần nhất; có mạng lưới bán hàng từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Cùng với các biện pháp đó, ngày 28/12/2012, NHNN đã ban hành Thông tư 38 quy định về trạng thái vàng, tức giá trị số dư vàng miếng phát sinh do mua bán vàng, cuối ngày của các TCTD không được vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái vàng âm. Các TCTD phải báo cáo hàng ngày trạng thái vàng của mình cho NHNN.

Đây được xem là những biện pháp cứng rắn nhất của cơ quan quản lý nhà nước nhằm can thiệp thị trường vàng bị thả nổi nhiều năm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng, sự thay đổi trên sẽ gây ra những xáo trộn nhất định, đặc biệt trong những ngày đầu.

Chỉ cần 'lách' là có 'miếng'

Rút bớt đầu mối kinh doanh để dễ dàng quản lý thị trường là mong muốn của cơ quan quản lý, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng sẽ nảy sinh yếu tố xin - cho, là điều kiện của tham nhũng, và các hoạt động kinh doanh trái phép gây thất thu ngân sách. Bởi lẽ, với những quy định ngặt nghèo của Nghị định 24, không phải DN nào cũng đủ điều kiện để tham gia kinh doanh vàng miếng.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam, cho rằng: "Điều kiện này không quá khó đối với các TCTD. Tuy nhiên, đối với các DN thì quy định là cần có vốn điều lệ 100 tỷ đồng trở lên và có số thuế đã nộp từ 500 triệu đồng/năm trong hai năm liên tiếp gần nhất là một thử thách lớn. Điều kiện này sẽ loại bỏ 90% các tiệm vàng đang kinh doanh vàng miếng hiện nay."

Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng chính sách này không thể làm giảm các hiệu vàng cũng như không giảm được việc găm giữ vàng. Cụ thể 5.600 cửa hàng không được phép kinh doanh vàng miếng đương nhiên họ sẽ không đóng cửa bởi vì vẫn được phép kinh doanh vàng trang sức.

Mặt khác, các DN được phép kinh doanh vàng miếng cũng sẽ mở thêm hàng loạt các điểm kinh doanh vàng miếng của mình. Như vậy rất có thể hàng nghìn cửa hàng vàng mới sẽ được khai trương và tình trạng mua bán vàng miếng trái phép hoặc ẩn giấu dưới nhiều hình thức tại các cửa hàng vàng chưa có phép vẫn tiếp diễn, thậm chí còn phát triển.

Thực tế qua khảo sát của phóng viên cho thấy, tại một số cửa hàng vàng ở Hà Nội đã lách quy định cấm mua bán vàng miếng bằng việc sản xuất ra nhẫn vàng trơn SJC do nắm bắt được nhu cầu của người dân về việc mua vàng tích trữ. Một chủ cửa hàng vàng tại Hà Nội cho biết: “Hiện loại hàng này bán khá chạy. Việc chế tác nhẫn tròn trơn đương nhiên không tinh xảo, nhưng lại đỡ mất giá hơn khi bán ra và người mua chủ yếu là nhằm mục đích tích trữ”.

Việc đưa ra thị trường sản phẩm nhẫn vàng không chỉ giúp các DN sản xuất vàng phi SJC có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh vàng 9999, mà ngay cả các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ cũng tiếp tục hoạt động kinh doanh vàng 9999, vốn đem lại nguồn lợi nhuận chủ yếu cho các DN, cơ sở kinh doanh vàng.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nếu thực chất của việc kinh doanh vàng nhẫn chỉ nhằm lách các quy định của pháp luật có liên quan đến kinh doanh vàng miếng thì việc kinh doanh này có thể xem là bất hợp lệ. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh vàng nhẫn có thể dễ dàng biện minh rằng nhẫn vàng là nhẫn, không thể được xem là vàng miếng, do đó, việc kinh doanh và sản xuất vàng nhẫn là hoàn toàn hợp lệ.

Thêm nữa, nhiều chuyên gia cho rằng không có căn cứ nào đảm bảo việc báo cáo hàng ngày, kiểm tra kiểm soát có thể hạn chế việc găm giữ vàng quá 2% vốn điều lệ cả. Không cho TCTD giữ trạng thái vàng quá 2% nhưng chắc không thể cấm người thân của TCTD găm giữ nhiều lần hơn cái con số 2% nhỏ nhoi ấy nếu việc găm giữ sinh lợi. Rút cục, "miếng" vẫn về tay họ.

Ngoài ra, việc mua, bán vàng sẽ không thuận lợi như trước đây. Nhiều người dân có vài chỉ vàng mà nhà ở tận các xã xa xôi sẽ rất bất tiện trong việc mua bán. Trong khi đó, trước đây họ chỉ cần ra xã hoặc thị trấn là có thể giao dịch được. Mặc dù, theo điều kiện thì các công ty kinh doanh vàng có thể mở thêm chi nhánh, nhưng giỏi lắm cũng chỉ đến tỉnh, thị xã, còn vùng sâu vùng xa thì không thể.

Giải pháp lập lại trật tự vàng


Trước những bất cập kể trên, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, Việt Nam chấp nhận một thị trường vàng thì cần phải tôn trọng các quy luật thị trường, trong đó NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các DN.

Các DN đáp ứng đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh thì phải để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường, cho phép nhiều thương hiệu cùng tồn tại thay vì độc quyền. Khi đã quy định điều kiện kinh doanh thì không nên phát sinh thêm các thủ tục xin - cho, cấp giấy phép con.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường cho phép người dân ở mọi vùng miền đều được hưởng lợi, có điều kiện giao dịch thuận lợi. Điều kiện kinh doanh vàng cho các DN chỉ cần quy định vốn điều lệ 10 tỷ VND thay vì 100 tỷ VND; Giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp; có cửa hàng, mặt bằng và trang thiết bị đo lường, kiểm định vàng.

Cùng với đó, cần thực hiện đăng ký kinh doanh theo Luật DN, không cần phải có giấy phép con của NHNN. Tạo ra sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, phục vụ được đông đảo nhân dân từ thành phố đến nông thôn.

Để tránh những hiện tượng lách luật kinh doanh vàng nhẫn, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, các cơ quan quản lý cần đưa ra những giải pháp xử lý về loại kinh doanh vàng miếng trá hình. Đồng thời, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, tổ chức đại diện cho tiếng nói của các nhà kinh doanh vàng cũng cần đưa ra những nhận định liên quan đến loại hình kinh doanh này để có thể có một cái nhìn toàn diện nhất về thị trường vàng.

Đặc biệt, vấn đề này phải được giải quyết mau chóng, nếu không, việc lập lại trật tự cho thị trường vàng sẽ tiếp tục bị cản trở, vì những hành vi kiểu “tranh tối tranh sáng” này.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia ủng hộ ý kiến cần thành lập sàn vàng. Quản lý thị trường vàng không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản...) trên một trung tâm giao dịch tập trung. Cần sớm nghiên cứu thành lập một Sở giao dịch hàng hoá trong đó, có vàng như nhiều nước đã làm. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập vàng... căn cứ quy định do Sở ban hành.


Quốc Huy
Không nên vội chuyển sang vàng miếng SJC
Không nên vội chuyển sang vàng miếng SJC

Đây là thông điệp được ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa ủy quyền lãnh đạo NHNN đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012, diễn ra chiều 28/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN