Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường cho hay, gói thầu số 2 giá trị khoảng 31 tỷ đồng do Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 thi công. Sau khi thí nghiệm vật liệu đáp ứng đủ điều kiện thi công, công ty sẽ triển khai đồng loạt và dự kiến thời gian thi công gói thầu này khoảng 2 tháng. Trong khi đó, đoạn sửa chữa mặt đường từ km0-km48 thuộc gói thầu số 1 đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đang làm thủ tục duyệt kết quả trúng thầu. Gói thầu này trị giá 46 tỷ đồng được đầu thầu qua mạng.
Được biết, đơn vị trúng thầu là doanh nghiệp khá quen thuộc trong các dự án cào bóc tái chế mặt đường trong những năm gần đây - Công ty TNHH Infrasol. Theo lãnh đạo VEC, dự kiến gói thầu này sẽ bắt đầu thi công trên tuyến vào đầu tháng 10 và kết thúc trong khoảng 2 tháng.
Trước đó, gói thầu số 3 thi công sửa chữa mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn từ km 150 – km 173 và gói thầu số 4 từ km 173 - km241 đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam triển khai và đến này đã hoàn thành thi công.
Liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình sửa chữa mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đã giao cho Chi cục Quản lý đường bộ I.3 thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại tuyến Nội Bài - Lào Cai trong việc giám sát quá trình sửa chữa tuyến đường này, đặc biệt là công tác phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông.
Cũng theo ông Trần Hưng Hà, để chất lượng mặt đường trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đảm bảo, các cơ quan chức năng cần phối hợp với những đơn vị có liên quan, tiến hành kiểm soát tải trọng các phương tiện lưu thông trên tuyến. Đồng thời, phía chủ đầu tư dự án là VEC phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá và tiến hành duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, theo đúng kế hoạch.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, sau hơn 8 năm cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác, mặc dù được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nhưng với việc hàng ngày tiếp nhận một lượng lớn phương tiện có tải trọng lớn dẫn đến một số hạng mục, công trình đã xuống cấp, hư hỏng. Do đó, việc sửa chữa lớn mặt đường trên toàn tuyến là nhu cầu cấp bách để đảm bảo an toàn lưu thông cho các phương tiện.
Vì vậy, ngoài 4 gói thầu sửa chữa mặt đường với tổng mức đầu tư trê 100 tỷ đồng trong năm 2022 theo kế hoạch để đảm bảo khả năng khai thác đồng bộ trên toàn tuyến cũng như công tác an toàn giao thông, trong năm 2023, Tổng công ty tiếp tục bố trí vốn để rà soát những đoạn tuyến hư hỏng để sửa chữa mặt đường của tuyến cao tốc này.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu cầu Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương rà soát, khắc phục ngay các điểm hư hỏng trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua các tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã có tình trạng hư hỏng, rạn nứt nền mặt đường, hằn lún vệt bánh xe cục bộ tại một số vị trí. Bên cạnh đó, hệ thống an toàn giao thông như biển báo, sơn kẻ vạch, hệ thống báo hiệu đường bộ bị mờ gây khó cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu VEC kiểm tra, rà soát tất cả các điểm phát sinh hư hỏng nền mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các vị trí hằn lún vệt bánh, đọng nước mặt đường, các vị trí nguy cơ mất an toàn và có giải pháp sửa chữa hư hỏng kịp thời.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 244 km được hoàn thành năm 2014. Điểm đầu của cao tốc là nút giao giữa quốc lộ 2 và đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) và điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai). Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Đây cũng là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất, dài nhất Việt Nam, được khởi công năm 2009 và hoàn thành sau 5 năm.
Dự án này có tổng mức đầu tư (giai đoạn1) là 1.464 triệu USD, bao gồm vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 236,21 triệu USD, vay thông thường OCR (ADB) 1.034,5 triệu USD và vốn đối ứng là 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.