Tự chủ thép chất lượng cao
Kể từ khi ngành thép Việt Nam vẫn còn non trẻ, năm 2000, tổng công suất phôi chỉ đạt khoảng 300.000 tấn, sản xuất thép thành phẩm chỉ đạt 2,4 triệu tấn. Đến năm 2015, công suất phôi đạt hơn 12 triệu tấn, tăng hơn 40 lần so với năm 2000; thép thành phẩm các loại đạt hơn 26 triệu tấn, tăng hơn 10 lần so với năm 2000.
Bên cạnh sản lượng, sự đa dạng trong chủng loại sản phẩm cũng giúp ngành thép Việt Nam bổ sung đủ các dải sản phẩm mà hiện nay vẫn đang còn thiếu. Nhờ đó, ngành thép Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể trong khu vực và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong ngành thép khu vực Đông Nam Á và cải thiện vị trí trong ngành công nghiệp thép thế giới.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang ở vị trí số 1, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng thép thô của khu vực này. Sản xuất thép thành phẩm Việt Nam năm 2015 ở vị trí số 1 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiếm gần 34 % tổng sản lượng thép thành phẩm của khu vực.
Theo chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa, trong 10 năm trở lại đây, ngành thép Việt Nam phát triển rất mạnh, cho đến năm 2020, ngành thép Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 14 thế giới. Đây là bước tiến rất khá trên bản đồ ngành thép thế giới. Năm 2020, tính sản xuất thép thô của Việt Nam đã đạt mức rất cao 19,5 triệu tấn/năm.
Điểm nhấn thứ hai về phát triển thép trong nước phải kể đến quy mô các dự án của doanh nghiệp. Khoảng năm 2004, công nghệ thép Việt Nam còn rất khiêm tốn, nhỏ lẻ, phân tán và lạc hậu. Đến nay, các doanh nghiệp đã có bước tiến rất dài cả về quy mô, sản lượng và công nghệ đều tương đương tầm cỡ thế giới hiện tại; trong đó đặc biệt là Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát) với các sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép chuyên dụng chất lượng cao...
Thép rút dây, thép lõi que hàn, thép dự ứng lực, thép cuộn cán nóng… là những sản phẩm mà Hòa Phát đã nghiên cứu và sản xuất thành công để thay thế hàng nhập khẩu. Đây là sản phẩm trước đây phải nhập khẩu 100% từ các nước khác.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nhận định, việc sản xuất được các dòng sản phẩm thép cuộn chất lượng cao, thép rút... cho thấy, tính ưu việt của công nghệ, hệ thống dây chuyền thiết bị của doanh nghiệp thép trong nước như Hòa Phát tại Hải Dương và Quảng Ngãi. Đây là nguyên liệu chính cho các đơn vị gia công cơ khí, chế tạo ra sản phẩm dây thép rút, lõi quen hàn, thép dự ứng lực trong nước, đồng thời tối ưu hóa giá trị gia tăng doanh nghiệp.
Nói về tính ưu việt của thép Hòa Phát, ông Đặng Việt Thanh, Trưởng phòng Công nghệ, Thép Hòa Phát Hải Dương cho biết, công nghệ tinh luyện và khử khí của Hòa Phát tân tiến và tối ưu nên đảm bảo các yêu cầu cao của các mác thép này. Đây cũng là lý do tạo nên sự khác biệt của Hòa Phát có thể tự chủ các mặt hàng mới thay thế hàng nhập khẩu.
Hiện nay, về sản phẩm thép rút dây, mặt hàng này có các mác thép như: SAE1006, SAE1008… đang được thị trường trong và ngoài nước đón nhận tích cực. Trước đó, từ tháng 10/2016, Hòa Phát bắt đầu đẩy mạnh chế tạo và cung cấp thép cuộn rút dây Φ6 SAE1008. Đây là nguyên đặc thù và chưa có nhà sản xuất nào ngoài thép Hòa Phát chế tạo được. Đối với thép dự ứng lực bao gồm 3 dòng sản phẩm là thanh thép dự ứng lực (PC Bar), cáp thép dự ứng lực (PC Strand) và dây thép dự ứng lực (PC Wire).
"Thép dự ứng lực là phân khúc thị trường thép rất tiềm năng, trong nước chưa có nhà máy nào sản xuất. Nhà máy thép dự ứng lực Hòa Phát ra đời sẽ đáp ứng 100% nhu cầu cho việc thi công các dự án hạ tầng trong nước, góp phần giúp Việt Nam chủ động hơn cho đầu tư phát triển, cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng cao, ổn định. Còn thép lõi que hàn là loại thép chuyên dụng, Hòa Phát Hải Dương đang tối ưu và cải thiện công nghệ để đưa ra sản phẩm thép que hàn và các dòng sản phẩm thép khác có chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Đặng Việt Thanh nói.
Đáp ứng nhu cầu lớn
Trên thực tế hiện nay, Việt Nam đã có thể tham gia vào sản xuất các sản phẩm thép phục vụ cho sản xuất máy móc, công nghiệp, vì nhu cầu cũng đang lớn dần. Cùng đó là các mặt hàng cuộn cán nóng, thép hợp kim...
Ông Nguyễn Văn Sưa cho biết, cách đây hơn 20 năm, nhu cầu thép hợp kim, thép chuyên dụng của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng trên dưới 100.000 tấn/năm. Để xây dựng nhà máy, doanh nghiệp phải đầu tư lớn hàng trăm triệu USD nên sẽ không hiệu quả. Nhưng đến nay, nhu cầu sản phẩm này tăng lên nhiều và theo ước tính, các sản phẩm thép này mỗi năm tiêu thụ hàng triệu tấn/năm.
Thép cuộn cán nóng HRC là một trong những mặt hàng thép trước đây Việt Nam chưa thể sản xuất, thì nay là niềm tự hào và sản phẩm minh chứng cho sự trưởng thành của Hòa Phát. Sản phẩm được dùng làm nguyên liệu sản xuất các loại ống thép, tôn lợp và các sản phẩm đặc thù khác như vỏ container…
Trong năm 2021, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường 2,6 triệu tấn HRC. Thị trường Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 14 triệu tấn HRC/năm. Sản lượng của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Do đó, Tập đoàn cũng đang đẩy mạnh triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng với công suất 5,6 triệu tấn/năm.
Khi hoàn thành Dung Quất 2, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát đạt khoảng 14 triệu tấn/năm; trong đó có 8,6 triệu tấn HRC. Qua đó, góp phần giảm bớt gánh nặng nhập khẩu loại thép công nghiệp quan trọng này cho doanh nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam.
Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất bày tỏ, hiện nay, các mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC của tập đoàn đều ở trong tình trạng “cháy hàng”, sản xuất không kịp cung ứng cho thị trường. Sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) có độ dày thông dụng từ 1,2mm - 14mm kích thước từ 1,2m - 1,5m. Đây là sản phẩm chiến lược cho chu kỳ tăng trưởng mới của Tập đoàn.
Dây chuyền đúc cán tấm HRC của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhập khẩu từ châu Âu, đảm bảo chất lượng cao, tiêu hao năng lượng thấp và thân thiện với môi trường. Sản phẩm HRC yêu cầu khắt khe và chặt chẽ từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho tới công đoạn nấu luyện và cuối cùng là công đoạn cán. Thép lỏng sau khi nấu luyện đạt chất lượng sẽ được chuyển sang Nhà máy sản xuất HRC. Quy trình đúc-cán liên tục được diễn ra với đầu vào là thép lỏng và đầu ra là HRC, ông Chung cho biết thêm.
Chia sẻ của ông Đinh Văn Chung cho thấy, bắt đầu một số công ty kết cấu trong nước và chế tạo cũng đã đề nghị với Hòa Phát về thép chế tạo, nhưng đến nay tập đoàn vẫn đang lựa chọn cấu hình công nghệ sản xuất. “Các đơn vị đang đặt vấn đề và Hòa Phát phải khảo sát thị trường, dung lượng đủ lớn mới có thể tính toán đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất”, ông Chung nói.
Hiện tại, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất được một số mặt hàng trước đây các doanh nghiệp sản xuất thép hạ nguồn phải nhập khẩu như: thép dự ứng lực, bao gồm thép thanh, sợi, cáp thép dự ứng lực... đủ cung ứng trong nước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Ða, để nắm bắt tốt cơ hội, các doanh nghiệp ngành thép cần tiếp tục bám sát thị trường, thể hiện tốt năng lực cạnh tranh thông qua việc cơ cấu lại sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm cho việc phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có hoạch định, chiến lược phát triển ngành thép theo chiều sâu, hướng các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm thép đặc chủng chất lượng cao.