Tiềm năng ngành nguyên liệu hóa chất
Trong bối cảnh toàn cầu chuyển dịch mạnh mẽ sang hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, ngành hóa chất Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển và nâng cao vị thế của mình trong dài hạn. Với nhu cầu gia tăng về các sản phẩm thân thiện môi trường và sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có cơ hội trở thành điểm đến quan trọng trong ngành hóa chất, đặc biệt khi các quốc gia lớn đang dần giảm phụ thuộc vào Trung Quốc như là nguồn cung chính.
Hiện ngành nguyên liệu hóa chất được coi là nền tảng quan trọng cho nhiều lĩnh vực công nghiệp, bao gồm sản xuất, nông nghiệp, dược phẩm và chăm sóc cá nhân. Với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, Chính phủ đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng của ngành đạt từ 10 - 11%/năm, chiếm tỷ trọng từ 4 - 5% trong nền công nghiệp Việt Nam.
Các sản phẩm chủ lực của ngành bao gồm hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược và phân bón. Trong đó, làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm chất lượng cao là chìa khóa để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này không chỉ mở ra cơ hội cho ngành hóa chất mà còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp khác, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước một cách bền vững.
Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nguyên liệu hóa chất là nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng từ thị trường nội địa và quốc tế. Việt Nam hiện đang là nhà cung cấp hóa chất cho các quốc gia lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Qua đó cho thấy, vị thế của ngành hóa chất Việt Nam ngày càng được củng cố trên bản đồ thương mại quốc tế.
Theo ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục trưởng Cục Hóa chất, ngành hóa chất y tế và dược phẩm trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu sản xuất thuốc và chế phẩm y tế. Điều này đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực hóa dược, giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao khả năng cung ứng cho thị trường nội địa. Do đó, việc phát triển ngành hóa dược không chỉ giúp củng cố chuỗi cung ứng nội địa mà còn đóng góp vào việc ổn định giá thành và nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động.
Cùng với đó, các dự án lớn như Tổ hợp hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn và các dự án hóa dầu đang hoạt động sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của ngành hóa chất trong tương lai gần. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và tự động hóa cao trong quá trình sản xuất sẽ giúp các công ty trong nước nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hóa chất Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cơ hội phát triển bền vững và lợi ích cho nền kinh tế
Bên cạnh những tiềm năng về tăng trưởng kinh tế, ngành nguyên liệu hóa chất còn mang đến những cơ hội phát triển bền vững khi áp dụng các công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường. Phát triển bền vững không chỉ giúp ngành hóa chất duy trì tăng trưởng dài hạn mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Để đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất địa phương trong việc thiết kế công thức và sản phẩm, phục vụ cho nhiều nhu cầu mới trên thị trường cạnh tranh hiện nay, DKSH Việt Nam đã tiên phong trong việc đầu tư vào phát triển bền vững cho ngành hóa chất thông qua việc nâng cấp Trung tâm phát triển và sáng tạo.
Trung tâm này không chỉ giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển các công thức sản phẩm mới mà còn hỗ trợ họ trong việc nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường như nước uống, sữa, bánh kẹo, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chế biến sẵn cũng như các sản phẩm chăm sóc cá nhân, làm đẹp, chăm sóc nhà cửa...
Có thể nói, việc phát triển ngành hóa chất theo hướng xanh không chỉ mang lại lợi ích về mặt môi trường mà còn giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đang áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, việc sản xuất các sản phẩm hóa chất thân thiện với môi trường sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, việc giảm thiểu phát thải và sử dụng năng lượng hiệu quả cũng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp ngành hóa chất, để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững, ngành hóa chất cần phải vượt qua nhiều thách thức. Hiện tại, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải đối mặt với chi phí sản xuất cao, đặc biệt là chi phí điện năng chiếm đến 20 - 30% tổng chi phí sản xuất.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới do chi phí đầu tư lớn. Theo đó, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp vượt qua những rào cản này và chuyển đổi sang sản xuất bền vững. Đặc biệt, ngành hóa chất cũng cần chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Với những chiến lược phát triển bền vững, ngành nguyên liệu hóa chất Việt Nam rất có nhiều cơ hội để phát triển nếu áp dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường. Theo đó, ngành hóa chất không chỉ thúc đẩy sản xuất công nghiệp mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu và tăng cường vị thế trên thị trường quốc tế.