Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam.
Xin ông cho biết tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp giấy Việt Nam hiện nay?
Ngành giấy Việt Nam chuyên sản xuất giấy in báo, in viết, giấy làm bao bì, giấy gia dụng và giấy vàng mã. Hiện tại, sản xuất giấy in báo đã ngưng hoạt động do vấn đề tài chính và khả năng cạnh tranh kém. Về giấy in viết vẫn tăng trưởng nhưng chậm hơn trước đây, do chúng ta có nhiều phương tiện truyền thông khác. Tăng trưởng mạnh nhất là giấy bao bì và giấy gia dụng. Nguyên nhân là do phục vụ xuất khẩu và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao.
Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam. |
Theo dự báo của chúng tôi, trong năm 2017, toàn ngành giấy sẽ phát triển tốt với tốc độ tăng trưởng khoảng 8% so với năm ngoái. Về xuất khẩu, sản lượng của ngành được dự kiến vẫn như năm trước không có sự tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên, ngành giấy xuất khẩu cũng ghi nhận điểm mới trong năm nay khi bên cạnh các sản phẩm giấy gia dụng, giấy in viết… thì nay đã xuất khẩu giấy bao bì. Đây là sản phẩm giấy của Công ty TNHH giấy Lee - Man (thuộc Tập đoàn Lee và Man Paper Hong Kong). Dù hiện nay đơn vị này vẫn đang vận hành chạy thử nhưng chất lượng giấy được đánh giá tốt, đạt so với yêu cầu thiết kế. Các sản phẩm của đơn vị được tập trung cho xuất khẩu vì là giấy chất lượng cao.
Chúng tôi hy vọng tới đây việc xuất khẩu giấy bao bì sẽ được tăng hơn nữa khi một vài máy sản xuất giấy sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2017. Theo kế hoạch, vào tháng 6 tới một máy sản xuất lớn nhất Việt Nam với công suất 500.000 tấn/năm sẽ được đưa vào vận hành tại Công ty TNHH xưởng giấy Chánh Dương (KCN Bến Cát, Bình Dương). Hiện nay công ty này đang có công suất hoạt động 100.000 tấn, nếu thêm máy 500.000 tấn sẽ đưa Chánh Dương trở thành nhà máy lớn nhất Việt Nam. Nhà máy lớn thứ 2 là Công ty TNHH Giấy Kraft Vina - công ty con của Tập đoàn SCG có công suất 500.000 tấn/năm, đứng thứ 3 là Công ty giấy Lee - Man với công suất 420.000 tấn/năm, thứ 4 là Công ty giấy Sài Gòn với công suất gần 400.000 tấn/năm.
Ngành giấy Việt Nam sản xuất giấy in báo, in viết, giấy làm bao bì, giấy gia dụng và giấy vàng mã. |
Sản xuất giấy là ngành gây ô nhiễm môi trường cao, vậy trong thời gian qua ngành đã có hướng khắc phục như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi ủng hộ chủ trương bảo vệ môi trường và vẫn đang kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về xử lý chất thải. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn mắc khuyết điểm nhiều khi nhiều doanh nghiệp (DN) thực hiện chưa tốt công tác xử lý chất thải, gây hình ảnh xấu cho ngành.
Hiện chúng tôi đang tiếp tục đấu tranh kịch liệt và yêu cầu DN phải tuân thủ các quy định để bảo vệ môi trường. Song do ngành giấy có một số khó khăn nhất định, chẳng hạn như việc xử lý môi trường đối với DN lớn, chi phí xử lý môi trường trong giá thành sản phẩm sẽ thấp hơn DN nhỏ. Bởi DN nhỏ thường yếu về tiền bạc, sản lượng thấp, lợi nhuận thấp nên vốn đầu tư vào xử lý môi trường còn hạn chế.
Theo ông, trong tương lai ngành giấy sẽ phát triển như thế nào?
Thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho thấy, ngành giấy đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, thể hiện qua rất nhiều dự án đầu tư của cả DN trong và ngoài nước. Với tốc độ hiện nay, chúng tôi dự báo đến năm 2018, công suất của hàng loạt dự án này vào khoảng 3 triệu tấn giấy/năm. Dù vậy, sân chơi của ngành giấy sẽ thuộc về các DN lớn, có sự đầu tư bài bản (chủ yếu là DN FDI).
Các DN giấy trong nước vẫn tiếp tục phát triển nhưng chiếm lĩnh thị trường cấp thấp hơn, do các loại máy sản xuất dưới 400.000 tấn/năm. Còn những dây chuyền khoảng 10.000 – 20.000 tấn/năm sẽ bị đào thải dần vì không đủ công nghệ xử lý môi trường và cũng không thể chịu nổi mức xử phạt đã tăng lên rất cao, chứ chưa nói tới năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!