Tuy nhiên, với thời gian còn lại khoảng 2 tháng (31/1/2024 hết năm tài chính) để giải ngân số vốn còn lại khoảng 24.000 tỷ đồng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định cần quyết liệt của các chủ đầu tư/ ban quản lý dự án cũng như sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết tháng 11/2023, Bộ Giao thông vận tải đứng đầu các bộ, ngành, địa phương có giá trị giải ngân vốn đầu tư công. Đứng thứ hai là Hà Nội, giải ngân gần 32.600 tỷ đồng, tiếp đến là TP Hồ Chí Minh gần 28.800 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng hơn 16.000 tỷ đồng, Bình Dương hơn 13.800 tỷ đồng, Hải Phòng gần 13.400 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 11.500 tỷ đồng, Long An hơn 9.900 tỷ đồng...
Đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) chia sẻ, có được kết quả giải ngân trên bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, kết quả giải ngân đạt nhiều tín hiệu tích cực còn là nhờ năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã thay đổi cách thức trong xây dựng kế hoạch giải ngân.
Nếu trước đây, căn cứ tiến độ triển khai dự án để xây dựng kế hoạch thì năm 2023, Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân trước làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công, biện pháp tổ chức thi công phù hợp.
Vụ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tiếp tục thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng, mỏ vật liệu; tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công, tập trung nghiệm thu thanh toán ngay khi có khối lượng thi công hoàn thành. Đối với những nhà thầu yếu kém, phải xem xét cắt giảm, điều chỉnh khối lượng.
Việc giải ngân vốn đầu tư công được Bộ Giao thông vận tải tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu và coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, hóa giải áp lực giải ngân rất lớn trong năm 2023, đặc biệt tại các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, trong khi nguồn vật liệu hạn chế, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo thi công các hạng mục có giá trị sản lượng cao, không phụ thuộc nguồn vật liệu như cầu, cống. Những vị trí có mặt bằng, sẵn vật liệu thì làm cuốn chiếu, thi công đến đâu làm móng mặt đến đó.
Nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu, ngoài việc nghiệm thu, thanh toán sản lượng thi công trên công địa, thời gian tới, Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo các chủ đầu tư có thể tạm ứng thêm cho nhà thầu theo quy định của pháp luật.
"Dù tiến độ giải ngân đang rất khả quan nhưng vướng mắc lớn nhất đối với công tác thi công và giải ngân với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025) hiện nay là một số địa phương chưa bàn giao được hết mặt bằng do vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Nếu không giải quyết sớm, dự án sẽ ách tắc", ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ.
Là nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho hay, để đẩy nhanh tiến độ trên công trường, thay vì bố trí các mũi công nhân làm nền đường dọc tuyến, các nhà thầu tập trung thi công hệ thống cầu, cống, đặc biệt là hệ thống 3 hầm xuyên núi. Kể cả trời mưa, hơn 40 mũi thi công cùng hàng trăm thiết bị, máy móc lúc nào cũng được duy trì.
Nhờ linh hoạt phương án thi công ngay từ đầu, đại diện Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư) cho hay, đến nay cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn giải ngân được gần 5.600 tỷ đồng trong tổng vốn hơn 7.100 tỷ đồng kế hoạch giải ngân năm 2023.
Tại gói thầu 12XL thuộc dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, hiện nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã tập trung hàng trăm máy móc, thiết bị cùng đội ngũ công nhân thi công các hạng mục đắp nền, cầu trên tuyến, vượt tiến độ đề ra. Tuy nhiên, thời gian qua mưa lớn, công tác đắp nền đường chững lại. Để đảm bảo tiến độ, nhà thầu chuyển sang làm cầu, đúc phụ kiện ngay trong điều kiện thời tiết mưa gió…
Theo Ban Quản lý dự án 7, những ngày này, tất cả công nhân, cán bộ, kỹ sư trên công trường cầu Mỹ Thuận 2 đang chạy đua thi công các hạng mục cuối để dự án cán đích vào 31/12 tới. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng; trong đó giá trị giải ngân xây lắp là 3.367,5 tỷ đồng, hiện đã giải ngân được 3.082,6 tương đương trên 91%.
Cũng phải về đích trước ngày 31/12/2023, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang được các nhà thầu thi công "3 ca, 4 kíp". Nếu trước đây, kế hoạch đưa ra mỗi ngày thảm 3.000 tấn bê tông nhựa thì hiện nay, con số lên đến 6.000 tấn/ngày. Nhờ đó, sản lượng thi công thời gian gần đây luôn đạt xấp xỉ 30 tỷ đồng/ngày, nhờ vậy dự án chắc chắn về đích đúng kế hoạch.
Hai dự án lớn là cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang cũng đang chạy đua thi công phần nền đường, cầu cống.
Trong năm 2023, dự án Chí Thạnh - Vân Phong được giao kế hoạch vốn là 3.500 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 2.300 tỷ đồng. Cao tốc Vân Phong - Nha Trang được giao hơn 4.100 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 3.100 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, nhờ các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, sự quyết tâm của chủ đầu tư, nhà thầu, riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (cả hai giai đoạn 1 và 2) chiếm gần 70% tổng kế hoạch vốn năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải, tính đến hết tháng 11, dự án giai đoạn 1 (2017-2020) đã giải ngân hơn 12.500 tỷ đồng (đạt hơn 82%); Dự án giai đoạn 2 (2021-2025) đã giải ngân hơn 38.650 tỷ đồng (đạt gần 81% kế hoạch vốn được giao). Vượt mức giải ngân chung của Bộ Giao thông vận tải…