Ngành đường sắt triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị thành viên chủ động rà soát các nội dung và hướng dẫn người lao động thuộc đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các đơn vị cần làm việc ngay với các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thành các thủ tục để được hỗ trợ.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng toàn bộ tàu tại Ga Hà Nội ngày 7/4/2020. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế- xã hội, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoặc giãn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này khiến nhiều lao động bị ảnh hưởng tới thu nhập. Để kịp thời hỗ trợ, khắc phục khó khăn, ngày 1/7/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Là một lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngành đường sắt đã chủ động triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ. Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thủ tướng ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản gửi tất cả các đơn vị trong ngành yêu cầu các đơn vị phối hợp các nội dung trong việc triển khai nghị quyết này.

Cụ thể, theo ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc VNR, Tổng công ty đã yêu cầu các đơn vị thành viên chủ động rà soát các nội dung và hướng dẫn người lao động thuộc đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các đơn vị cần làm việc ngay với các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thành các thủ tục để được hỗ trợ.

Cũng theo ông Phan Quốc Anh, triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 8/7 vừa qua, Ngân hàng chính sách xã hội đã có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Về nội dung này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị thành viên khẩn trương xác định nhu cầu sử dụng lao động và nhu cầu sử dụng vốn của đơn vị để làm việc với các Ngân hàng chính sách địa phương về các nội dung như: lập phương án vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo hướng dẫn của ngân hàng.

Là một trong hai đơn vị vận tải của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) chia sẻ, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến vận tải đường sắt, riêng Haraco đã phải cho ngừng hợp đồng lao động với hàng nghìn lao động. Với các chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP sẽ giúp cho người lao động đường sắt bớt khó khăn hơn.

Về triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ông Đỗ Văn Hoan cho biết, Haraco đã triển khai các nội dung ngay khi nghị quyết này được ban hành.

Cụ thể, Haraco đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động nghiên cứu, thực hiện các quy định số 23/2021/QĐ-TTg. Trong đó, Haraco yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiên cứu kỹ các nội dung về quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp, quỹ hưu trí và tử tuất để kịp thời hoàn thiện hồ sơ, biểu mẫu gửi cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Cũng theo ông Đỗ Văn Hoan, về nội dung hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương theo quy định tại Quyết định số 23/QĐ-TTg, Haraco đã yêu cầu các đơn vị thành viên, nhất là các đơn vị thành viên đóng trên địa bàn bị cách ly y tế, phong tỏa, các đơn vị có ngành nghề kinh doanh phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch liên hệ với cơ quan bảo hiểm, UBND cấp huyện, tỉnh để thực hiện thủ tục hỗ trợ.

Cũng liên quan đến nội dung này, ông Đỗ Văn Hoan chia sẻ, tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bị ngừng sản xuất từ 15 ngày trở lên theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 rất khó thực hiện với ngành đường sắt. Ví dụ như có những nơi bị phong tỏa, ngành đường sắt chỉ dừng hoạt động tàu khách nhưng tàu hàng vẫn được hoạt động, như vậy đối chiếu với các quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP sẽ không được tính là dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, người lao động của ngành đường sắt sẽ khó được hỗ trợ từ chính sách trên.

Ông Nguyễn Văn Hoan cho biết, trong tháng 6 và tháng 7 này, Haraco có 1.300 người phải hoãn hợp đồng lao động không được trả lương, cùng với đó là hàng trăm lao động khác phải nghỉ luân phiên, do đó doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ quy định này để người lao động được hỗ trợ thu nhập, giải quyết khó khăn.

Theo báo cáo của Haraco, 6 tháng đầu năm 2021, tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị này rất khó khăn khi doanh thu của đơn vị chỉ bằng 77% cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng 53% cùng kỳ năm 2019 (trước khi có dịch COVID-19). Đặc biệt với tàu khách, doanh thu sụt giảm chỉ bằng 22% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này kéo theo hàng nghìn lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, rất khó khăn trong đảm bảo đời sống. Năm 2020, Haraco lỗ 192 tỷ đồng và năm 2021, dự kiến đơn vị này lỗ khoảng 250 tỷ đồng.

Là đơn vị bảo trì của ngành đường sắt, ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái chia sẻ, Nghị quyết 68/NQ-CP được ban hành trong thời điểm này có ý nghĩa vô cùng với người lao động, đặc biệt là người lao động của ngành đường sắt. Vì vậy, ngay sau khi Nghị quyết 68 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành và sự chỉ đạo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị đã rà soát, lập danh sách các đối tượng người lao động được hưởng hỗ trợ gửi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan để kịp thời thực hiện các thủ tục bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Để hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua, ông Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ, ngoài chính sách hỗ trợ từ nhà nước và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, công ty luôn chủ động tiết giảm chi phí, huy động các nguồn sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn, yên tâm công tác.

Quang Toàn (TTXVN)
Đường sắt chạy duy nhất một đôi tàu khách Bắc - Nam
Đường sắt chạy duy nhất một đôi tàu khách Bắc - Nam

Liên quan đến vận tải đường sắt đi/đến ga Sài Gòn trong giai đoạn Tp. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo an toàn, phòng dịch COVID-19, tối 8/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã ra thông báo về kế hoạch chạy tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN