Dây chuyền sản xuất nệm ghế xe hơi của CTY TNHH MARUBISHI tại công nghiệp Bình Chiểu. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Bởi chỉ có làm chủ được công nghệ thì doanh nghiệp mới nâng cao đáng kể giá trị trong cả chuỗi giá trị toàn ngành. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu đầu tư máy móc, được hỗ trợ công nghệ hiện đại để tự động hóa nhiều khâu sản xuất nhằm gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng và tiết kiệm thời gian, chi phí…
Đầu tư đổi mới công nghệ Theo Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), da giày một ngành công nghiệp đã ăn sâu tại Việt Nam từ nhiều năm qua, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động cả nước. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu da giày đạt trên 16 tỷ USD. Dự kiến, doanh số xuất khẩu năm 2017 đạt khoảng trên 17 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm ngoái.
Xu hướng thế giới đang thay đổi và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã có sự thay đổi thần tốc về nâng cao năng suất lao động và khoa học công nghệ, cạnh tranh về nhân công giá rẻ không còn là lợi thế mà dần chuyển sang nền kinh tế tri thức. Trong ngành da giày đã có những doanh nghiệp nước ngoài sử dụng robot để thực hiện khâu quét keo, may chi tiết đồng bộ.
Theo Lefaso, hiện cũng có nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã đầu tư máy móc để tự động hóa 100% khâu xì cắt và đang từng bước chuyển sang tự động hóa. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Việt Á Châu ở Tp. Hồ Chí Minh là một điển hình trong việc đầu tư công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển. Doanh nghiệp này đã đầu tư máy scan và in 3D để phục vụ làm khuôn. Hình thức đầu tư này đã giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian xuống 10 ngày riêng cho khâu làm khuôn, đồng thời giảm đáng kể thời gian giao hàng.
Hay, Thái Bình Shoes đã trang bị phần lớn máy móc công nghệ mới phục vụ cho phát triển mẫu và sản xuất như máy may lập trình, máy thêu vi tính, máy cắt laser… nhằm tự động hóa các công đoạn sản xuất. Việc này giúp doanh nghiệp giảm được giá thành, tăng năng suất lao động và hạn chế rủi ro trong một vài công đoạn sản xuất cho nhân công.
Theo các chuyên gia trong ngành, trong khi năng suất lao động của các doanh nghiệp nội chỉ 4-6 đôi/người/ngày thì khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đạt con số 16-18 đôi/người/ngày, dự kiến có thể tăng lên 20 đôi/người/ngày vào năm 2018. Sự chênh lệch này cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp nội thua thiệt khối doanh nghiệp ngoại về cả kim ngạch xuất khẩu và giá trị gia tăng.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Lefaso, nếu áp dụng những phương pháp quản lý cũng như ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán về năng suất lao động thì tăng trưởng ngành da giày sẽ tăng 1,5-2 lần so với mức hiện nay. Việc đầu tư này đòi hỏi nhiều vốn nhưng cần thiết vì giúp thay thế một phần lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thay đổi tầm nhìn và quá trình đầu tư.
Nâng tầm công nghệ Cùng với sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp, vừa qua Lefaso và Thương vụ Italy đã phối hợp thành lập Trung tâm công nghệ giày Việt – Italy tại khu vực tỉnh Bình Dương. Với kinh nghiệm của một quốc gia có ngành công nghiệp da giày phát triển cao, Italy sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua chuyển giao công nghệ, tư vấn và hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn cho ngành.
Theo ông Paolo Lemma, Trưởng đại diện Thương vụ Italy tại Việt Nam, Việt Nam là thị trường tiềm năng, có lượng người tiêu dùng lớn, nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao, sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư Italy đưa công nghệ cùng các loại hàng hóa chất lượng vào để cạnh tranh ở thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Italy sẽ tăng cường truyền đạt những kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, da giày. Các doanh nghiệp Italy coi Việt Nam là cửa ngõ hoàn hảo để tiếp cận thị trường Asean. Thêm vào đó, các công ty Italy cũng ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam và xem đây như một thị trường mới nổi trong khu vực, với tiềm năng đầy hứa hẹn cho đầu tư và phát triển kinh doanh.
Theo Lefaso, ngành da giày Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng cường quan hệ thương mại với Italy nói riêng và thị trường Liên minh châu Âu (EU) nói chung. Italy là trung tâm thời trang của thế giới, cho nên việc mở rộng quan hệ thương mại Việt Nam – Italy trong lĩnh vực da giày là rất cần thiết và trao đổi thương mại thời gian qua đã có bước phát triển khá tốt.
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ học hỏi được rất nhiều từ máy móc, công nghệ và các nhà thiết kế của Italy. Mới được hình thành từ tháng 7/2017 nhưng trung tâm đã đào tạo được nhiều khóa khoa học công nghệ về thiết kế 3D công nghệ cho các doanh nghiệp trong ngành, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tư vấn hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn cho ngành công nghiệp sản xuất da giày Việt Nam.
Nhận thức rõ vai trò của năng suất lao động trong việc tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm da giày, theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng của người lao động cũng như tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tốt hơn… Dù có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị của ngành da giày vẫn thấp, chỉ chiếm 20-25% chuỗi giá trị. Vì thế, không chỉ có vai trò đào tạo, phổ biến xu hướng thiết kế và công nghệ sản xuất mới trên thế giới, tại trung tâm này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cũng được tiếp cận các máy móc mới, hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm…
Bên cạnh đó, hạn chế về trung tâm nghiên cứu và phát triển từ trước đến nay là một bài toán khó đối với doanh nghiệp Việt. Do đó, chỉ có làm chủ được khâu nghiên cứu và phát triển thì doanh nghiệp Việt mới nâng cao đáng kể giá trị trong cả chuỗi giá trị toàn ngành. Một hạn chế đáng kể là khả năng tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, đến từ nguồn nhân lực, bao gồm chất lượng đào tạo công nghệ sản xuất, thiết kế chưa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.