Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, các vụ bê bối gian lận khí thải xe động cơ diesel, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc, những bất ổn liên quan đến việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, kinh tế châu Âu chậm lại đang là những yếu tố bất lợi cho ngành công nghiệp ô tô.
Hầu hết các khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi những yếu tố này và thị trường ô tô lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Nghiên cứu của Công ty bảo hiểm tín dụng Coface cho biết doanh số bán xe mới tại Trung Quốc đã giảm 2% trong năm 2018, lần đầu tiên trong nhiều thập niên gần đây, do các hộ gia đình quan ngại về triển vọng kinh tế trong nước. Năm 2019, kinh tế Trung Quốc dự báo tăng trưởng 6,2%, thấp hơn so với mức 6,6% của năm 2018. Vì vậy, người tiêu dùng Trung Quốc không “mặn mà” với việc mua ô tô nữa.
Trong khi dó, Mỹ và châu Âu cũng chứng kiến doanh số bán xe chững lại. Theo Coface, "thị trường châu Âu đang đối mặt với các quy định thử nghiệm mới và đây là những rào cản cho việc đưa ra các mẫu xe". Triển vọng rất khó đoán định. Doanh nghiệp sản xuất ô tô Cox Automotive dự báo doanh số bán xe sẽ sụt giảm 2,3% vào năm 2019 tại thị trường Mỹ.
Ngoài ra, các mức thuế quan mới mà Mỹ cảnh báo và đã áp dụng đối với các nhà sản xuất châu Âu cũng khiến người tiêu dùng lo ngại. Nếu Mỹ áp thuế quan mới như vậy thì Đức sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất vì các doanh nghiệp ô tô hàng đầu ở Đức như Volkswagen, BMW, Daimler sản xuất đến gần 45% sản lượng ô tô mà châu Âu xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Nhà phân tích Norbert Rücker của ngân hàng Julius Baer (Thụy Sĩ) cho rằng "doanh số bán ô tô đã đạt đỉnh vào mùa Hè năm 2018". Trong tương lai, động lực của thị trường ô tô toàn cầu cần phải dựa vào các nền kinh tế mới nổi. Một nghiên cứu của Công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes ước tính 95% mức tăng trưởng của thị trường ô tô sẽ xuất phát từ các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ.