Ngân hàng và nỗi lo rủi ro gia tăng nợ xấu sau đại dịch

Dịch COVID-19 kéo dài và nhiều tỉnh thành phải áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đang khiến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài “cơn bão” này, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của ngành thường có độ trễ hơn so với các lĩnh vực khác.

Khó khăn có thể chưa phản ánh vào lợi nhuận

Sau lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ giữa tháng 7/2021 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt công bố cắt giảm lãi vay nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 mang lại.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Khảo sát sơ bộ cho thấy, mức lãi suất các ngân hàng cắt giảm dao động từ 1-1,5 điểm %/năm so với mức lãi suất hiện hành. Thời gian áp dụng kéo dài đến hết ngày 31/12/2021.

Cá biệt, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố giảm lãi tới 3 điểm %/năm; hay một số ngân hàng công bố giảm tới 2 đợt lãi suất chỉ trong vòng hơn 1 tháng gần đây.

Theo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), mặc dù quy mô của gói hỗ trợ ban đầu chưa quá rõ ràng, tuy nhiên tác động của việc giảm lãi suất là khá đáng kể lên lợi nhuận đối với các ngân hàng hỗ trợ trên quy mô rộng. Còn các ngân hàng chỉ hỗ trợ một cách chọn lọc đối với các lĩnh vực, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh thì tác động lên lợi nhuận sẽ ít hơn.

Chẳng hạn, với việc điều chỉnh giảm 1 điểm % toàn bộ dư nợ, ACBS ước tính thu nhập lãi của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) có thể giảm khoảng 3.912 tỷ đồng, tương đương với mức giảm gần 15% so với lợi nhuận trước thuế trong 4 quý gần nhất; Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội (MB) cũng giảm thu nhập lãi khoảng 1.466 tỷ đồng, tương đương với mức 11,2%.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) giảm từ 0,3-1 điểm % toàn bộ dư nợ, trừ các khoản vay tín chấp và nợ xấu, các chuyên gia của ACBS ước tính ngân hàng sẽ giảm thu nhập lãi khoảng 561 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) giảm 0,5-1,2 điểm % đối với dư nợ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19 thì sẽ giảm thu nhập lãi 184 tỷ đồng….

Ngoài việc giảm lãi vay trực tiếp, các ngân hàng cũng đang thực hiện cơ cấu lại nợ cho các khoản vay của khách hàng bị ảnh hưởng theo nội dung của Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Dẫu vậy, các chuyên gia của ACBS cũng cho rằng, tác động lên lợi nhuận chung của ngân hàng có thể được bù đắp bởi tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên, quản lý tài sản - nguồn vốn hiệu quả hơn, tăng trưởng thu nhập từ các hoạt động khác và quản lý chi phí hoạt động tốt hơn.

Thực tế, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức giữa tháng 8, bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, với tệp 19 triệu khách hàng trên tất cả các phân khúc và với mô hình kinh doanh tập trung vào bán lẻ, tín dụng tiêu dùng, ngân hàng này cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do COVID-19 mang lại.

Dù còn nhiều khó khăn, song bà Thảo cho biết, VPBank chưa thay đổi mục tiêu lợi nhuận đã cam kết với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021. Song song với việc hỗ trợ khách hàng thông qua chương trình giảm lãi suất, cấu trúc lại các khoản nợ vay, VPBank hiện đang tập trung vào quản trị rủi ro tại hệ thống.

Lãnh đạo VPBank cho biết, ngân hàng này sẽ nỗ lực đưa nợ xấu của ngân hàng mẹ còn dưới 1,5% và tập trung rà soát lại chất lượng tín dụng, kế hoạch kinh doanh đặc thù trên từng phân khúc khách hàng; đồng thời tối ưu hóa trong cơ cấu vốn, tiết kiệm chi phí hoạt động… để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cũng nhận định, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong tháng 7- 8 là rất rõ ràng và có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng cả năm. Tuy nhiên, hiện TPBank chưa đặt vấn đề điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận, vì ngân hàng từ đầu năm đã dự trù trích lập bổ sung (khoảng vài trăm tỷ đồng).

Mặt khác, ngân hàng cũng sẽ tập trung khai thác các dịch vụ ngân hàng qua kênh trực tuyến và tiết kiệm chi phí hoạt động để đảm bảo lợi nhuận ngân hàng ít bị ảnh hưởng nhất trong những tháng cuối năm.

Cảnh giác với rủi ro nợ xấu gia tăng

Tham chiếu với giai đoạn làn sóng thứ nhất khi Việt Nam thực hiện mạnh giãn cách xã hội, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trong quý III/2021 sẽ chậm lại khi các ngân hàng sẽ phải đặt vấn đề quản trị rủi ro lên hàng đầu để đảm bảo chất lượng tài sản. Cùng đó, việc nhiều tỉnh, thành phải áp dụng giãn cách xã hội kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp sẽ khiến áp lực trích lập nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh.

Thực tế, nợ xấu thường đi chậm hơn một bước và có độ trễ rất dài. Do đó, các phân tích gần đây cũng bày tỏ quan ngại về rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng. Dù Thông tư 03 cho phép các ngân hàng chuẩn bị dự phòng cho các khoản nợ được tái cơ cấu trong khoảng thời gian 3 năm, nhưng rủi ro nợ xấu vẫn luôn hiện hữu.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, không nên quá lạc quan về kế hoạch lợi nhuận của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Bởi lẽ, nếu tính đúng, tính đủ, những khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 01 và Thông tư 03 có thể bị chuyển sang nợ xấu.

Mới đây, trong báo cáo điểm lại tháng 8/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) có chủ đề "Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai” có nhấn mạnh một điểm đáng lưu ý. Đó là WB cảnh giác rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng.

Theo WB, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc cho vay có mục tiêu thường xảy ra tình trạng thiếu minh bạch về lý do, cơ sở kinh tế cho việc thực hiện cấp, quy mô và cách thức phân bổ các khoản vay này, bao gồm các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn tài chính. Rủi ro không thanh toán được của các khoản vay này cuối cùng có thể được chuyển từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính. Vì vậy, khu vực tài chính có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn theo thời gian.

Mặc dù ổn định tài chính chung đã được duy trì đến cuối tháng 6/2021, nhưng chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP đạt mức 136% năm 2019, tăng mạnh lên 146% tính đến cuối năm 2020 làm gia tăng nguy cơ cho các ngân hàng, nhất là những khoản vay liên quan đến các ngành kinh tế bị ảnh hưởng như du lịch, hàng không và có thể cả bất động sản.

WB cho rằng, việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng. Tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống còn 11,13% vào tháng 12/2020, và 11,1% cuối tháng 6/2021. Do đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

“Điều cần làm nữa là sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài trong hệ thống ngân hàng vì nó có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó, cũng cần có cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và đang gặp khó khăn; đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II”, báo cáo của WB khuyến nghị.

H.Chung (TTXVN)
Áp lực xử lý nợ xấu: Cần hành lang pháp lý mạnh hơn
Áp lực xử lý nợ xấu: Cần hành lang pháp lý mạnh hơn

Nợ xấu ngân hàng lại một lần nữa tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại khi nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ do dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN