Trong bối cảnh cần nhiều động lực hơn để nền kinh tế nhanh chóng hồi phục sau đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp mong đợi không chỉ có những chính sách đột phá, thích ứng đa chiều với những thay đổi khó lường của tình hình kinh tế toàn cầu mà còn được thực thi nhanh chóng, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển. Phóng viên TTXVN tổng hợp ý kiến một số chuyên gia, đại diện quản lý Nhà nước và doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.
* Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm:
Lâu nay vẫn tồn tại vấn đề từ nghị quyết, các chính sách và giải pháp được ban hành thường rất đúng, trúng. Nhưng việc thực thi thường chậm và kém hiệu quả. Nếu chính sách và giải pháp tốt nhưng chậm triển khai thì vẫn chỉ là chính sách.
Nguyên nhân bắt nguồn từ thực tế, trong thời gian gần đây, xảy ra tình trạng ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất để xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương.
Để đem lại hiệu quả của các nghị quyết, chính sách và giải pháp; khắc phục tình trạng chậm và kém trong triển khai thực hiện, theo tôi, cần sớm có giải pháp xoá bỏ nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn hiện nay trong bộ máy công quyền. Cùng đó, sớm ban hành và thực thi văn bản bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần trách nhiệm, dám xả thân, hiến dâng trí tuệ, sức lực cho công việc nhưng có thể hiệu quả công việc chưa như mong muốn.
Các bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát các nhiệm vụ được giao từ đó đưa ra lộ trình với thời gian cụ thể để thực hiện; định kỳ rà soát và đánh giá tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước khi đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền.
Ngoài ra, xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực; có chế tài và thực hiện nghiêm để xử lý từng cấp, từng ngành, từng cá nhân chậm triển khai công việc, không hoàn thành nhiệm vụ; gắn và quy trách nhiệm người đứng đầu.
* Ông Đặng Thế Phương, Giám đốc Công ty Giao nhận vận tải Phương Lâm (Hải Phòng):
Hiện tại các ngân hàng thương mại đang sẵn sàng nguồn tiền để cho vay. Tuy nhiên, lãi suất cho vay từ phía ngân hàng vẫn khá cao lên mười mấy phần trăm một năm. Điều này thực sự gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp. Có thể nói doanh nghiệp khó có thể hấp thụ nguồn vốn nếu lãi suất ở mức cao như hiện nay. Mặt khác trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp cũng chưa mạo hiểm để gia tăng sản xuất nên hiện cũng chưa mặn mà với nguồn tín dụng.
Với doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ như chúng tôi hiện chỉ hoạt động được 40-50% phương tiện nên càng khó khăn. Hiện doanh nghiệp chỉ mong muốn duy trì hoạt động để vượt qua thách thức hiện nay nhưng cũng rất khó vì riêng khoản vay cũ đang phải trả lãi vay ngân hàng khá cao, đặc biệt là mức tăng lại tiếp tục cộng thêm hàng năm. Hiện khoản vay cũ là ngắn hạn lãi suất cũng là 8 - 9%, trong khi đó khoản vay dài hạn cũng từ 13 - 15%. Vì vậy, mong muốn của doanh nghiệp là nhà nước có cơ chế chính sách thiết thực hơn để doanh nghiệp có thể hấp thụ được nguồn vốn tín dung hiện nay cũng như có chính sách lãi suất mềm mỏng hơn đối với các khoản vay cũ của doanh nghiệp.
* Ông Trần Anh Đức - Đại diện nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF):
Không thể không ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cải thiện thủ tục liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định phức tạp, yêu cầu bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết chuyển sang làm trực tuyến.
Về thủ tục hành chính, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ liên quan đến các Sở Công Thương, Bộ Công Thương; trong đó, nhiều thủ tục kéo dài, thậm chí hơn 6 tháng chưa được chấp thuận cấp phép. Riêng với lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn; trong đó, có một phần nguyên nhân từ các vướng mắc về thủ tục. Có doanh nghiệp cho biết phải mất 3 - 5 năm, thậm chí hơn 5 năm để thực hiện xong hết thủ tục phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam. Nhiều văn bản pháp lý có quy định chồng chéo gây khó khăn và kéo dài.
Ngay như hiện nay, các quy định về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản cũng đang không hướng dẫn rõ ràng các tiêu chí về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến cách hiểu và giải thích chung. Đó là khi có bất kỳ hình thức hay mức độ đầu tư nước ngoài nào, doanh nghiệp sẽ được coi là có vốn đầu tư nước ngoài và đối mặt với các hạn chế của quy định về nhà ở và kinh doanh bất động sản. Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thường thiết lập nhiều tầng sở hữu để cố gắng giảm thiểu sự không chắc chắn này.
* Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động...
VCCI kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ; giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp…
Trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố rất bất ổn, Việt Nam cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết ổn định chính sách trong nước, lấy ổn định chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn trên thế giới. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong thời gian tới.
Bài cuối: Khắc trị 'tư duy phòng thủ'