Rào cản của sự phát triển
Nêu ra một trong những nguyên nhân khiến chỉ số tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh trong quý đầu tiên năm 2023 thấp bất ngờ, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: Sự sụt giảm kinh tế của TP Hồ Chí Minh có một phần đến từ vấn đề nội tại của bộ máy công vụ. Qua quan sát có thể nhận ra các sự vụ liên quan đến pháp lý thời gian vừa qua khiến đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ có tâm lý e dè, cẩn trọng trong giải quyết công việc.
Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ngày 16/4 vừa qua, trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề cập rất mạnh mẽ về thực trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức của TP Hồ Chí Minh hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngoài vấn đề khách quan, hai vấn đề lớn nhất của TP Hồ Chí Minh phải giải quyết là niềm tin thị trường, tâm lý xã hội và sự e dè, sợ hãi, sợ trách nhiệm của cán bộ. Nếu không giải quyết được ngay sẽ không tạo được đột phá cho những quý sắp tới.
Dẫn chứng về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói đây hầu hết là vấn đề thuộc thẩm quyền TP Hồ Chí Minh.
"Việc này cho thấy có sự đùn đẩy, không phối hợp với nhau. Nếu việc hỏi như hiện nay, một ngày chúng tôi phải trả lời thành phố hai văn bản, trong khi cơ quan có trăm nghìn công việc khác. Đây là thách thức lớn", ông Dũng nói. Mặt khác, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành thành phố chưa chặt chẽ và sự phối hợp với các bộ, ngành cũng hạn chế, ảnh hưởng đến các khâu hướng dẫn, giải quyết các thủ tục. Việc này cần phải xử lý mạnh.
Vấn đề "sợ trách nhiệm", "tâm lý e dè, cầm chừng" của đội ngũ cán bộ cũng được những người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền thành phố nhìn nhận và chỉ rõ trong nhiều hội nghị, buổi làm việc và diễn đàn khác nhau. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thừa nhận có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức của TP Hồ Chí Minh sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ. Các sở, ban, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện, cơ chế đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các đơn vị chưa rõ ràng, chưa tạo động lực thúc đẩy thực thi nhiệm vụ.
Thực tế cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đầu tàu đang ngày càng chậm và thậm chí nhiều lĩnh vực đang tụt hậu so với cả nước. Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ rõ, trong giai đoạn 20 năm (1991-2010), tốc độ tăng GDP trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bình quân 10,5%/năm và cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 1,5 lần. Nhưng trong 10 năm (2011 - 2020), tốc độ này giảm chỉ còn 7,2%/năm và năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh chỉ bằng khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Qua đó cho thấy, từ năm 2010 đến nay, sự phát triển của thành phố đã bộc lộ sự giảm tốc, thậm chí tụt hậu so với cả nước ở một số lĩnh vực như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, tính hấp dẫn của môi trường cạnh tranh; các yếu kém về giao thông, ngập nước, chất lượng môi trường có xu hướng gia tăng.
Thực trạng sụt giảm vai trò đầu tàu kinh tế của TP Hồ Chí Minh được Nghị quyết số 31 - NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, vụ phát triển Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: Tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên được Nghị quyết số 31 - NQ/TW chỉ ra chủ yếu là do: Tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý thức trách nhiệm, vì lợi ích chung của một số cấp uỷ, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên của thành phố chưa cao; chưa tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương trong tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố. Một số ban, bộ, ngành Trung ương chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho thành phố, dẫn đến một số chủ trương thực hiện chậm hoặc chưa đầy đủ, nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ, giải quyết.
Cần một "cú hích mạnh" về tư duy đổi mới
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, "cú sốc" và những "sang chấn" từ đại dịch COVID-19 thời gian qua cũng được nhìn nhận tác động không nhỏ đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố hiện nay. Mặt khác, truyền thống, bản sắc sáng tạo và dám nghĩ, dám làm của bộ máy chính quyền, doanh nghiêp và người dân TP Hồ Chí Minh đã bị mai một và thay thế bằng "tư duy phòng thủ", tâm lý "không làm, không sai".
Thiết nghĩ, người dân, doanh nghiệp và tất cả những ai quan tâm đến đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh đều đang rất trông chờ vào một "cú hích mạnh" về sự thay đổi của bộ máy chính quyền với tư duy đổi mới, quyết đoán, sáng tạo, "dám nghĩ, dám làm" và cả "dám nói" như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh Ban thường vụ Thành ủy thành phố vừa qua.
Có lẽ yêu cầu tiên quyết đặt ra đối với thành phố lúc này đó là tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý của các cấp uỷ, chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Mặt khác, "chăm lo quy hoạch, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ kế thừa; tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung", như trong Nghị quyết 31-NQ-TW đã nêu.
Liên quan đến thực trạng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TP Hồ Chí Minh nâng cao tinh thần trách nhiệm, cộng với các biện pháp về cán bộ, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc. Động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thủ tướng đề nghị TP Hồ Chí Minh xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan đến cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với khả năng, năng lực, cũng như nhiệt huyết. Xử lý người vi phạm và kịp thời khen thưởng những người có thành tích.
"Thành phố phải rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm không dám làm, hoặc tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc kéo dài", Thủ tướng nhấn mạnh.
Toàn Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương từng bước, khẩn trương tháo gỡ, nghiên cứu, đề xuất, ban hành các chính sách vượt trội, thí điểm nhiều cơ chế mới, đặc thù thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội cho TP Hồ Chí Minh phát triển vượt bậc, bền vững hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, để cụ thể hóa những chính sách đó thành các sản phẩm cụ thể, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, tạo điều kiện cho thành phố đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước cần phải có một bộ máy, đội ngũ cán bộ năng động, mang trong mình bản sắc sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, có tinh thần trách nhiệm cao vì lợi ích chung.
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, để lấy lại đà tăng trưởng, TP Hồ Chí Minh cần sự thay đổi mang tính đồng bộ, cả về động lực tăng trưởng và tính hiệu quả của bộ máy hành chính công. Vấn đề cấp bách trước mắt là phải tháo được điểm nghẽn về đầu tư công cho từng dự án cụ thể, xác định rõ vướng mắc ở đâu, trách nhiệm của ai, thẩm quyền cấp nào để giải quyết một cách ráo riết. Nếu đó là trách nhiệm của cán bộ cấp thành phố, không xong việc thì thay người. Có như vậy mới tạo ra sự chuyển động cho các dự án và chấn chỉnh tình trạng chùng lại trong bộ máy công quyền.
Mặc dù Trung ương đã có Kết luận số 14 - KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đang có rất nhiều các giải pháp để giúp các cán bộ cởi bỏ tâm lý e ngại nhưng căn bản vẫn cần phải có cơ chế cụ thể, để những cán bộ dám nghĩ, dám làm cảm thấy được bảo vệ, được an toàn khi đưa ra các quyết định vì lợi ích chung. Việc đánh giá đúng – sai trong một số quyết định đòi hỏi sự linh hoạt, giải quyết tình thế phải được xem xét trong bối cảnh, thời điểm cụ thể.
Để từng bước khắc phục tình trạng "ì ạch" của đội ngũ cán bộ, bộ máy công vụ ở cơ sở, lãnh đạo Thành phố cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố sẽ có chỉ thị chấn chỉnh tình trạng này. Trong đó, theo như người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Nguyễn Văn Nên "nếu cần thì có thể thay cả huấn luyện viên nếu kết quả đội bóng không tốt".
Từ góc nhìn của TP Hồ Chí Minh hiện nay, có thể nói, các cơ chế, chính sách dù có vượt trội, đột phá đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu thiếu đội ngũ nhân sự vận hành đủ tầm thì cũng khó bứt phá mạnh mẽ như kỳ vọng.