Nâng giá trị cho đặc sản địa phương

Cam Canh, bưởi Năm Roi, chè Thái Nguyên, bánh pía Sóc Trăng… chỉ là một vài đại diện trong số hàng trăm đặc sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đa phần các đặc sản vùng miền lại chưa xây dựng được thương hiệu nên ít người biết đến và giá trị không cao.


Đa phần chưa có thương hiệu

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, từ năm 2008, Việt Nam đã có trên 40 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia. 750 các mặt hàng đặc sản khác nhau đã đem lại thu nhập, việc làm cho hơn 10 triệu lao động.

Thu hái chè đặc sản ở làng nghề chè Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Mặc dù tiềm năng của các đặc sản vùng miền Việt Nam là rất lớn nhưng việc phát triển, tạo thương hiệu và tiêu thụ các sản phẩm này còn nhiều hạn chế. Nhận thức về tiềm năng phát triển của các sản phẩm này chưa đầy đủ, chưa có sự đánh giá và xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài tạo thương hiệu đặc sản cho mỗi địa phương.

Theo ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn Le Invest, thương hiệu đặc sản Việt Nam chưa tạo được uy tín sâu rộng do nhiều nguyên nhân như hàng kém chất lượng làm giảm uy tín thương hiệu, sản phẩm Trung Quốc đội lốt hàng Việt gây hoang mang cho người tiêu dùng, chưa đầu tư cho xây dựng thương hiệu, chủ yếu bán sản phẩm thô để nước ngoài gắn thương hiệu của họ và xuất khẩu…

Các địa phương nên xây dựng các điểm bán hàng đạt chuẩn, khuyến khích các nhà hàng sử dụng 100% các sản phẩm đặc sản địa phương như một điểm đến cho khách du lịch.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội

Hiện nay, yêu cầu của thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ. Trong khi đó, đa phần các đặc sản do các cơ sở nhỏ lẻ làm. Rất ít sản phẩm đặc sản được đăng ký bảo hộ. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm... Mặt khác, do sự hạn chế về vốn, quy mô sản xuất, trình độ quản trị và nghiệp vụ xúc tiến thương mại nên các cơ sở sản xuất chưa tiếp cận được các kênh phân phối hiện đại. Điều này khiến sức cạnh tranh của sản phẩm thấp, thậm chí một số sản phẩm tiêu biểu của địa phương đang dần bị mai một.

Ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam dẫn chứng: Thái Lan có rất nhiều chính sách hỗ trợ các DN phát triển đặc sản vùng miền như: DN được tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế miễn phí; cung cấp mặt bằng để DN có thể trưng bày và bán hàng tại các sân bay, điểm du lịch; được vay vốn đến 1 triệu bạt với lãi suất chỉ 1%/năm… Nhờ vậy, riêng năm 2013, doanh thu từ các mặt hàng đặc sản vùng miền của nước này đã đạt 2,9 tỷ USD.

Liên kết để quảng bá cho đặc sản

Ông Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái chia sẻ, các sản phẩm đặc sản tiêu biểu của Yên Bái như quế, chè, gạo nếp Tú Lệ… gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Ông Long mong muốn các DN quan tâm hơn đến các sản phẩm đặc sản của Yên Bái, tư vấn và hỗ trợ cho tỉnh trong việc mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, để tiêu thụ hàng đặc sản phải thông qua nhiều kênh bao gồm: phân phối tại hệ thống nội địa; xuất khẩu sang các nước thông qua hệ thống phân phối nước ngoài tại Việt Nam cũng như hệ thống phân phối của Việt Nam tại nước ngoài… “Cần lưu ý xuất khẩu tại chỗ, tức là kết nối đặc sản với các vùng du lịch, để du khách nước ngoài khi đến vùng du lịch có thể mua và quảng bá cho đặc sản vùng đó. Đây là cách mà Nhật Bản, Thái Lan đã làm thành công”, ông Hòa nói.

Ngay tại Đài Loan (Trung Quốc), chương trình “Mỗi thị trấn một sản phẩm” đã mở đường cho nhiều sản phẩm vùng miền được dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm này phải đạt chuẩn quốc gia, được thiết kế bao bì, đóng gói cẩn thận và bày bán tại các nhà ga trung tâm, sân bay, khu vực công cộng rất hiệu quả.

Việt Nam đã và đang gia nhập thị trường toàn cầu với việc thực hiện các cam kết FTA, TPP, AEC… Đây là cơ hội cho đặc sản vùng miền mở rộng thị trường tiêu thụ sang nước ngoài. Ông Lê Bá Ngọc cho rằng, để làm được điều này, Nhà nước cần phải chủ trì chương trình truyền thông, quảng bá các thương hiệu đặc sản vùng miền; hỗ trợ kinh phí bằng nguồn ngân sách Nhà nước cho chương trình truyền thông; kết nối các địa phương để hình thành hệ thống cung ứng hàng hóa và phân phối, đảm bảo yêu cầu chất lượng và nguồn gốc.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải hợp tác chặt chẽ với các thị trường tiêu thụ bằng cách có chính sách cụ thể khuyến khích DN địa phương tham gia; đảm bảo chuỗi cung ứng cung cấp hàng chính gốc, đúng xuất xứ và chất lượng...

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết sẽ có kế hoạch rõ ràng và dài hạn với mục tiêu cụ thể để phát triển các đặc sản vùng miền, xây dựng các chương trình liên kết vùng miền để phát huy lợi thế tối đa của mỗi vùng miền từ khâu cung cấp đến tiêu thụ sản phẩm…
Hoàng Dương
Đặc sản cốm Tú Lệ
Đặc sản cốm Tú Lệ

Cốm Tú Lệ là đặc sản của đồng bào Thái ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN