Do đó, hoạt động này luôn được Bộ Giao thông Vận tải quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay trên cả nước có 384 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và 158 cơ sở sát hạch. Hiện chỉ còn 5 tỉnh là (Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bắc Kạn chưa có cơ sở sát hạch. Với chủ trương xã hội hóa các cơ sở, đào tạo sát hạch thì hiện nay các trung tâm do tư nhân đầu tư, quản lý chiếm tới 70%.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, với số lượng trung đào tạo sát hạch nêu trên thì hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu học và sát hạch lái xe của người dân và doanh nghiệp. Về quản lý công tác này hiện đã phân cấp cho địa phương quản lý cụ thể là Sở Giao thông Vận tải, về phía Cục và Bộ Giao thông Vận tải chỉ quản lý chung về mặt quản lý nhà nước như hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật và thanh kiểm tra hoạt động này.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết thường xuyên có văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra công tác tuyển sinh và quy trình học của học viên tại các cơ sở đào tạo để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm; đồng thời, xử nghiêm các học viên gian lận trong quá trình sát hạch lái xe.
Đặc biệt, Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh: Sở Giao thông Vận tải các địa phương rà soát, yêu cầu các trung tâm, trường đào tạo sát hạch lái xe chú trọng kiểm tra việc đăng ký học qua trung gian, thu học phí không đúng theo quy định và các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, trình độ văn hóa, thâm niên lái xe và số km lái xe trên đường an toàn đối với người học.
Đối với việc học lái xe trên đường, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu kiểm tra nội dung, chương trình đào tạo, nội dung học viên có được học đủ hay không. Bên cạnh đó, kiểm tra việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát thời gian học môn pháp luật giao thông đường bộ, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT).
Các Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe kiểm tra dữ liệu các phiên học của từng học viên trên cơ sở dữ liệu thiết bị DAT, không đưa vào danh sách tham dự kỳ sát hạch đối với các học viên có dữ liệu của các phiên học không đúng quy định hoặc không học đủ nội dung bài học lái xe trên đường; truy cập vào máy chủ của cơ sở đào tạo để kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về dữ liệu DAT (nếu phát hiện).
Riêng đối với công tác phòng chống tiêu cực trong sát hạch, đạo tạo lái xe, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải địa phương yêu cầu các trung tâm sát hạch lái xe cung cấp tài khoản và phương thức truy cập để kết nối với hệ thống camera lắp đặt tại phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch, tổ chức giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong quá trình sát hạch.
Các Sở Giao thông Vận tải cũng được Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu tăng cường kiểm tra máy chủ và các máy tính của phòng sát hạch lý thuyết, kiểm tra xe sát hạch thực hành trong hình trước khi học viên lên xe sát hạch để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các trường hợp máy tính kết nối không đủ quy định, trên xe sát hạch có các thiết bị thu phát để gian lận trong quá trình sát hạch. Đồng thời, chỉ đạo các hội đồng sát hạch, tổ sát hạch có biện pháp ngăn chặn học viên sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong quá trình sát hạch.
Về phòng chống việc học viên sử dụng có thể sử dụng công nghệ cao trong quá trình thi lý thuyết như thiết bị nghe, nhìn…, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ để phát hiện xử lý những trường hợp này.
Trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định chỉ định đơn vị chứng nhận sự phù hợp sản phẩm theo Quy chuẩn 106:2020 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe ô tô và cabin học lái xe ô tô và quyết định chỉ định đơn vị thử nghiệm thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe ô tô - cabin học lái xe ô tô theo Quy chuẩn đã được Bộ Giao thông Vận tải ban hành.
Theo đó, từ ngày 1/1/2023, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải đưa thiết bị cabin học lái xe vào chương trình đào tạo. Trên cơ sở đó, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất cabin học lái xe ô tô tại địa phương nghiên cứu, triển khai các trình tự, thủ tục hợp quy thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe - cabin học lái xe theo quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất cabin học lái xe ô tô gửi hồ sơ công bố hợp quy để Cục Đường bộ Việt Nam công bố sản phẩm đủ điều kiện trước khi cung cấp cho các cơ sở đào tạo lái xe.
Theo đánh giá của chuyên gia giao thông, việc Bộ Giao thông Vận tải quyết định giữ nguyên lộ trình đào tạo lái xe bằng cabin điện tử được quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin điện tử tập lái từ ngày 1/1/2023. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng và phản xạ trong điều kiện địa hình, cung đường, thời tiết, tình huống giao thông khác nhau cho học viên.
Theo đó, học viên có tối thiểu 4 giờ thực hành các bài cơ bản như vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch và làm quen với các bài về địa hình đồi núi, cao tốc; phải có đủ thời gian học trên cabin và số km thực hành trên đường học viên mới được thi sát hạch lái xe...
Để phòng chống tiêu cưc, tham nhũng trong lĩnh vực đào tạo sát hạch lái xe, mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường kiểm tra tại các địa phương, cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị chức năng của ngành công an, y tế và các bộ, ngành trong quản lý, giám sát đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe.
Đánh giá về công tác đào tạo, sát hạch lái xe thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, việc quản lý đào tạo, sát hạch lái xe đã được đổi mới theo hướng xã hội hóa. Chương trình đào tạo lái xe được tham khảo chương trình của các nước có trình độ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đặc biệt, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình đào tạo đã được hoàn thiện theo hướng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và mang tính xã hội hóa cao, cùng với quản lý số lượng lớn người học nên cũng không thể tránh khỏi một số hạn chế.
“Trong thời gian qua, các giải pháp về công nghệ đã được áp dụng để giám sát chặt quá trình đào tạo và sát hạch lái xe ô tô, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần dùng cơ chế thị trường để rà soát, điều chỉnh, hạn chế, loại bỏ yếu tố tiêu cực. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, công khai tỷ lệ sát hạch và tỷ lệ thi đạt của từng trung tâm đào tạo, giúp người học nhận diện được chất lượng của từng cơ sở để lựa chọn”, ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.
Trong một diễn biến liên quan, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngay trong quý I, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe trên cả nước.
Theo đó đoàn số 1 do Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải thực hiện sẽ kiểm tra hoạt động này tại 16 tỉnh, thành phố. Đoàn số 2 do Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) thực hiện sẽ kiểm tra hoạt động đào tạo sát hạch lái e tại 16 tỉnh, thành phố và 31 tỉnh, thành phố còn lại sẽ do Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện.