Nâng chất nông thôn mới - Bài cuối: Khắc phục những điểm nghẽn

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình nâng chất nông thôn mới ở Tp. Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế nhất định trong các tiêu chí, giáo dục, môi trường và thu nhập cho người dân.

Để chương trình mục tiêu nâng chất nông thôn mới về đích đúng thời hạn, các sở, ngành thành phố phải phối hợp với từng địa phương tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề trên. 

Nhiều điểm nghẽn

Kết quả đánh giá Bộ tiêu chí nâng cao về nông thôn mới theo đặc thù vùng thôn Tp. Hồ Chí Minh, đến tháng 6/2019 số tiêu chí đạt bình quân/xã trên địa bàn thành phố là 17,07/19 tiêu chí (tăng 1,67 tiêu chí so với cuối năm 2018).

Dự kiến đến cuối năm 2019, thành phố đạt 18/19 tiêu chí. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, ở một số huyện đang gặp khó trong việc hoàn thành một số tiêu chí như giáo dục, môi trường và thu nhập của người dân.

Đáng lưu ý, nhiều xã vẫn chưa hoàn thành tiêu chí trường học do trong giai đoạn 2011 - 2015 quy định mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở, có 1 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất là đạt, đến giai đoạn 2016 - 2020, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới hiện nay, tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở  phải đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất mới đạt chuẩn.

Một số nơi do áp lực dân số tăng và dân nhập cư khiến số lượng học sinh tăng nhanh, sĩ số học sinh/lớp đông dẫn đến các trường không đảm bảo diện tích bình quân/học sinh (diện tích khuôn viên).

Trong khi đó, những dự án xây dựng mới các trường đang vướng công tác bồi thường thu hồi đất nên chưa triển khai thi công. Cụ thể, đến nay huyện Củ Chi còn 6 xã, huyện Hóc Môn còn 5 xã chưa đạt tiêu chí trường học do chưa đạt chuẩn theo quy định, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị, chưa có phòng chức năng, nhà tập đa năng, hội trường.

Chú thích ảnh
Huyện đoàn huyện Nhà Bè và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Nhà Bè phối hợp tổ chức chương trình hoạt động cao điểm “Chiến sỹ tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới - năm 2019”. Ảnh: thanhuytphcm.vn

Hơn nữa, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè đều chưa có trường THPT, THCS nào đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường học mới xây nhưng vẫn thiếu nhiều trang thiết bị, chưa kể ở một số điểm trường học đã xuống cấp nhưng chưa được xây mới.

Về tiêu chí thu nhập, hiện có 32 xã đạt mức thu nhập bình quân đầu người bằng hoặc hơn 52/triệu đồng/người/năm; trong đó 4 xã (xã Bà Điểm - huyện Hóc Môn; xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B - huyện Bình Chánh; xã Phước Kiển - huyện Nhà Bè) đã đạt mức bằng hoặc hơn 60 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên vẫn còn 20 xã chưa đạt mức thu nhập bình quân đã đề ra.

Nguyên nhân là do kinh tế người dân các xã này đều dựa vào sản xuất nông nghiệp, chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, lao động trẻ chuyển dịch vào làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, do đó lao động nông nghiệp chủ yếu là người lớn tuổi, năng suất thấp.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp tuy hiệu quả nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Vì vậy, các mô hình này chưa được triển khai rộng rãi; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh.

Mặt khác, đa số hộ dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, vì vậy việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết còn nhiều hạn chế, thiếu bền vững. Cùng với đó, theo các địa phương tiêu chí môi trường cũng đang là thách thức với quá trình nâng chất nông thôn mới của Tp. Hồ Chí Minh.

Thực tế, tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm là tiêu chí có số xã đạt ít nhất, chỉ 24/56 xã, số còn lại chưa đạt bởi việc kiểm soát và quản lý xả thải tại các lưu vực kênh rạch còn khó khăn.

Hơn nữa, quá trình đô thị hóa nhanh, cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Tại huyện Bình Chánh có 9/14 xã chưa đạt tiêu chí môi trường. Với đề án huyện nông thôn mới, Bình Chánh đạt 8/9 tiêu chí, tiêu chí còn vướng cũng là tiêu chí về môi trường.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Bí thư huyện ủy Bình Chánh, cho biết, đầu năm 2016, trên địa bàn huyện có 497 cơ sở sản xuất được xác định gây ô nhiễm môi trường, trong 3 năm qua huyện đã thực hiện xử lý, di dời được 155 cơ sở. Tuy nhiên, mới đây qua rà soát đã ghi nhận phát sinh thêm 124 cơ sở gây ô nhiễm.

Huyện Bình Chánh đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường để triển khai hướng dẫn các xã làm việc đơn vị gây ô nhiễm. Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện được giao nhiệm vụ giám sát việc xả thải chưa qua xử lý ra ra kênh rạch. Dù vậy, trên địa bàn huyện có nhiều dòng chảy mang nguồn ô nhiễm từ địa phương khác như quận 8, quận Bình Tân và tỉnh Long An chảy qua nên rất khó xử lý.

Dưới góc độ cơ quan quản lý chuyên môn, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong quá trình nâng chất nông thôn mới. Từ 2018 đến nay, Sở đã tổ chức các cuộc họp với các sở ngành và cả các quận huyện liên quan, trao đổi và cung cấp danh sách chủ nguồn thải để các đơn vị liên quan nắm để kiểm tra, giám sát.

Mặt khác, Sở cũng đã làm việc với các tỉnh giáp ranh để có quy chế phối hợp liên tỉnh.Tuy nhiên việc giải quyết các vấn đề về môi trường vẫn gặp khó do ý thức thực hiện của các đơn vị, người dân chưa cao.

Nỗ lực về đích

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh, thành phố đặt mục tiêu  phấn đấu có 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 huyện hoàn thành nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện trước tháng 5/2020.

Vì vậy, UBND thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, quận huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong tham gia quyết định, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các nội dung thực hiện xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân hưởng”.

Chú thích ảnh
Khánh thành đường bê tông nông thôn ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Ảnh: thanhuytphcm.vn

Riêng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới các huyện phải có giải pháp tháo gỡ các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu đến tháng 9/2019 đạt thấp nhất từ 17 - 18 tiêu chí.

Để hoàn thành tiêu chí về giáo dục theo chuẩn nông thôn mới nâng cao ở các huyện ngoại thành, Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND các huyện tổ chức thực hiện hoàn thành tiêu chí trường học theo tiến độ đã ký kết.

Song song đó, UBND thành phố cũng thành lập tổ công tác theo dõi kết quả thực hiện theo cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian trong các khâu bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng trường học mới, cải tạo trường cũ đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình đề ra.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm ở địa bàn mỗi huyện khác nhau nên cần vận dụng đặc thù riêng để xử lý.

Ngoài nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường khu vực nông thôn, các sở ngành tại Tp. Hồ Chí Minh đang cố gắng hoàn thành đề án đầu tư “Xây dựng khu xử lý chất thải tại chỗ và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường tại khu vực chôn lấp tại huyện Cần Giờ” và đề án “Nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch giai đoạn 2016-2020” tại huyện Bình Chánh.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, để khắc phục tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn làm việc và yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn có phương án xử lý.

Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường ra quân xử lý các bãi rác tự phát, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường các tuyến sông, kênh rạch; phối hợp tập trung xử lý, di dời đối với các cơ sở phát sinh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Liên quan đến việc nâng cao thu nhập cho người dân, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết,thời gian tới, Cần Giờ sẽ tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch sinh thái và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo UBND Tp.Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 6/2019, bình quân số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt trên 17,2 tiêu chí/xã, tăng 1,8 tiêu chí so với cuối năm 2018, trong đó có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí, gồm xã Thái Mỹ, Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi); Bình lợi, Quy Đức (huyện Bình Chánh).

Nếu tính theo tiêu chí đạt, có 10/19 tiêu chí được tất cả các xã hoàn thành gồm quy hoạch, thuỷ lợi, cơ sở vật chất văn hoá, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá. Ở cấp huyện, bình quân số tiêu chí đạt được trên một huyện là 6,4 tiêu chí (tăng 1,8 tiêu chí so với cuối năm 2018)

Lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh đã xác định rõ, việc đạt các tiêu chí đề ra không phải là kết quả cuối cùng của Chương trình xây dựng nông thôn mới mà chỉ là cơ sở để đánh giá kết quả đạt được trong từng giai đoạn cụ thể. Chính vì vậy, thời gian tới cả thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí theo hướng nâng cao chất lượng đời sống cho người dân các huyện ngoại thành.

Hứa Chung - Xuân Anh (TTXVN)
Những nốt nhạc vui ở vùng nông thôn mới kiểu mẫu
Những nốt nhạc vui ở vùng nông thôn mới kiểu mẫu

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010-2020) sau gần 10 năm thực hiện đã mạng lại những đổi thay rõ nét trên các miền quê vốn trước đây còn nhiều khó khăn, giờ đây đã thay da đổi thịt từng ngày, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, hiệu quả hơn; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN