Nhiệm vụ giải ngân còn nặng nề
Theo các số liệu thống kê, tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách nhà nước trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 203.000 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2019, là mức cao nhất trong cùng kỳ của giai đoạn 2016-2020, song vẫn chỉ đạt 42,7% so với kế hoạch của năm 2020. Trong đó, vốn của Ngân sách Trung ương chỉ chiếm 16%, còn lại 84% thuộc vốn ngân sách địa phương. Ở góc độ Ngân sách Trung ương, tốc độ giải ngân vốn đầu tư trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 60% so với cùng kỳ, nhưng cũng chỉ đạt 38,4% kế hoạch. Điều này cho thấy, để giải ngân hết số vốn kế hoạch còn lại (hơn 52.000 tỷ đồng) trong năm nay đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành.
Cho đến hết tháng 7/2020, hầu như chưa có bộ, ngành nào giải ngân quá 50% vốn kế hoạch của năm. Mặc dù tốc độ giải ngân của một số bộ, ngành trong 7 tháng rất cao, như Bộ Giao thông vận tải là 91,7%, Bộ Giáo dục và Đào tạo 84,4%, Bộ Công Thương 59%, song kết quả này chủ yếu là do sự tắc nghẽn từ cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, với tổng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương cần phải giải ngân theo kế hoạch trong năm nay lên đến hơn 351.000 tỷ đồng, việc mới giải ngân được hơn 170.000 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm, tương đương 42,6% kế hoạch, cũng đòi hỏi nỗ lực vượt trội của các địa phương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, có 9 Bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn đầu tư công từ những dự án giải ngân chậm; trong đó có các dự án nguồn vốn ODA, để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước là 342 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 5.996 tỷ đồng.
Nhiều phát hiện kiểm toán quan trọng
Theo điều 86 Luật Đầu tư công năm 2019, Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ quyết định kế hoạch kiểm toán hằng năm về kế hoạch, chương trình, dự án và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện; tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm, kiểm toán chuyên đề và thực hiện kiểm toán về kế hoạch, chương trình, dự án theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả kiểm toán năm, kiểm toán chuyên đề và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về kế hoạch, chương trình, dự án; tổ chức công bố, công khai báo cáo kiểm toán về kế hoạch, chương trình, dự án theo quy định của pháp luật.
Phân tích vài trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, ông Ngô Minh Kiểm- Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước) cho biết, qua kiểm toán, công tác lập, thẩm định, phân bổ, giải ngân, quyết toán vốn đầu tư công trong những năm qua đã có những phát hiện quan trọng. Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đánh giá, kết luận, kiến nghị về những tồn tại, bất cập và trách nhiệm đối với công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, kiến nghị sửa đổi bổ sung chính sách chế độ để bịt các lỗ hổng trong quản lý đầu tư công.
Cụ thể, công tác xây dựng kế hoạch, đăng ký, thẩm định, phân bổ vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế. Điển hình như việc xây dựng kế hoạch, phân bổ chưa sát với thực tế khả năng thực hiện dẫn đến giải ngân không hết; bố trí vốn dàn trải chưa đúng thứ tự ưu tiên cho các dự án; không thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn hoặc kế hoạch 2018; đăng ký, phân bổ vốn cho dự án chưa đủ thủ tục đầu tư; bố trí vốn đầu tư công cho một số dự án không đúng đối tượng; ứng trước kế hoạch vốn không đúng quy định; giao vốn còn chậm thời gian theo quy định.
Ông Ngô Minh Kiểm cũng cho biết, công tác tổ chức triển khai thực hiện dự án còn nhiều vấn đề như: Công tác quy hoạch, sự phối hợp của các ngành, các cấp trong quá trình chuẩn bị còn hạn chế dẫn đến khi thi công gặp vướng mắc, chồng chéo phải điều chỉnh lại thiết kế; phê duyệt chủ trương đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, xác định cơ cấu nguồn không đúng. Bên cạnh đó, tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng phê duyệt dự án khi chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa đầy đủ thủ tục, không phù hợp với quy hoạch, không lựa chọn phương án tối ưu, xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác, lập dự phòng trong tổng mức đầu tư thiếu cơ sở,…
Một hạn chế khác ảnh hưởng đến quá trình giải ngân vốn đầu tư công là năng lực của nhiều chủ đầu tư, tư vấn, các đơn vị thẩm tra, thẩm định chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa làm hết trách nhiệm; chất lượng công tác khảo sát thiết kế, lập thẩm định phê duyệt thiết kế còn nhiều hạn chế dẫn đến phát sinh, điều chỉnh trong quá trình thực hiện làm chậm tiến độ dự án, dẫn đến khối lượng thực hiện không đạt theo kế hoạch, từ đó không giải ngân được.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn chậm ban hành đơn giá, định mức xây dựng cho các công việc đặc thù, chuyên ngành làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng và quản lý chi phí theo quy định của Chính phủ (biện pháp thi công mới, vật liệu mới nhưng hệ thống định mức, đơn giá không theo kịp). Việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt định mức mới mất rất nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, giải ngân thanh toán, quyết toán công trình.
Hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Từ thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm diễn ra trong nhiều năm qua và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và đề cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.
Theo ông Ngô Minh Kiểm, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, giảm thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung vào các quy định về công tác lập, thẩm định, phân bổ vốn đầu tư công; thủ tục giải ngân nhằm tạo thuận lợi cho chủ đầu tư thanh, quyết toán; các quy định về giải phóng mặt bằng cần phải đi trước (cần coi là một dự án riêng); tăng cường công khai minh bạch trong lựa chọn nhà thầu; rà soát ban hành định mức, đơn giá còn thiếu nhất là các nội dung công việc, vật liệu mới; quy định rõ gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan không hoàn thành nhiệm vụ; các văn bản cần quy định rõ tránh hiểu chung chung.
Mặt khác, cần nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công; công tác lập, thẩm định, phân bổ vốn đầu tư công; tăng cường tính công khai, minh bạch trong phân bổ vốn đầu tư công dựa trên các tiêu chí cụ thể, thứ tự ưu tiên; kịp thời giao vốn, phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án theo đúng thứ tự ưu tiên: xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn trả các khoản ứng trước nguồn ngân sách trung ương trước khi bố trí vốn để thực hiện các dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới.
Thực hiện báo cáo định kỳ tình hình giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời điều chuyển vốn ở những dự án không có khả năng giải ngân, giải ngân không hết sang các dự án có khả năng giải ngân tránh lãng phí vốn đầu tư. Đồng thời, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan tham mưu xây dựng, thẩm định, phân bổ vốn đầu tư công; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kế hoạch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với các Dự án sử dụng vốn vay ODA, quá trình đàm phán Hiệp định vay vốn cần cân nhắc kỹ các điều khoản ràng buộc để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, giảm thiểu các điều kiện vay khắt khe nhằm tạo cạnh tranh trong đấu thầu và tạo điều kiện cho nhà thầu Việt Nam tham gia dự án.