Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép còn diễn ra khá phổ biến, gây thất thu ngân sách, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường… đã và đang ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Thực tế này đã được Kiểm toán nhà nước chỉ rõ trong các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản những năm vừa qua.
Quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ
Thực trạng hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam trong những năm qua cho thấy, các Bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương còn thiếu sự đồng bộ, tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót trong việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản, dẫn đến việc quản lý, sử dụng tài nguyên còn lãng phí, thiếu hợp lý, làm cho nguồn tài nguyên khoáng sản đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt.
Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021” với phạm vi kiểm toán tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các phát hiện qua hoạt động kiểm toán đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế, thiếu sót cần khắc phục trong công tác quản lý và khai thác nguyên khoáng sản, từ đó đưa ra các kiến nghị có giá trị thực tiễn cao.
Trong chuyên đề này, phạm vi kiểm toán “Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh: Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng” là một minh chứng tiêu biểu. Kết quả kiểm toán đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021.
Liên quan đến việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò và khai thác khoáng sản, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt vấn đề nổi cộm: Địa phương chậm triển khai thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; không công khai tên tổ chức, tên loại khoáng sản và vị trí khu vực đề nghị thăm dò khoáng sản trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo Đấu thầu; đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thuộc quy hoạch, không phù hợp với quy hoạch. Tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 67 điểm mỏ chủ yếu là đá vôi, cát sỏi làm vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2017-2021, nhưng tỉnh lại chưa thực hiện đấu giá.
Cũng liên quan đến việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Kiểm toán Nhà nước phát hiện 3 tỉnh: Bình Phước, Phú Thọ, Bắc Kạn đã xác định trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng khai thác. Tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang ban hành văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và gửi cơ quan Thuế chậm. Tỉnh Thái Bình ban hành văn bản tạm dừng việc nộp tiền cấp quyền không đúng đối tượng. Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý đối với số nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đến ngày 31/12/2021, số nợ được Kiểm toán nhà nước xác định lên tới 957 tỷ đồng.
Trước những bất cập này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra xác định, làm rõ cơ sở tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với một số quyết định để đảm bảo thu đúng, đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Khai thác không tuân thủ giấy phép được cấp
Đánh giá về công tác quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016 - 2020, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tỉnh Bắc Kạn không ban hành quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định. Các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Bình Định đã thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chưa phù hợp.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc thực hiện cấp phép thăm dò, khai thác của một số địa phương chưa đảm bảo quy định của Luật Khoáng sản; hồ sơ cấp phép chuyển nhượng chưa đảm bảo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường chưa yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản bổ sung, chỉnh sửa, làm rõ các nội dung trong thiết kế cơ sở dự án khai thác khoáng sản theo yêu cầu tại các Báo cáo thẩm định của Sở Xây dựng trước khi trình phê duyệt đối với 9 dự án khai thác khoáng sản.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, trong giai đoạn 2017-2020, Tổng cục Môi trường mới thực hiện xác nhận 23 dự án hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trên tổng số 160 báo cáo đánh giá tác động môi trường. 4 địa phương có tình trạng dự án đã đi vào khai thác nhưng chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Vì vậy, kiến nghị được Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo Tổng cục Môi trường thường xuyên rà soát, đôn đốc các dự án khai thác khoáng sản thuộc trường hợp cấp giấy phép môi trường hoàn thiện các thủ tục để cấp phép theo quy định; tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các dự án không có giấy phép môi trường.
Đánh giá về công tác quản lý sau cấp phép, đối với giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, còn đơn vị được cấp phép thăm dò không nộp, chậm nộp báo cáo định kỳ; có 71 giấy phép khai thác khoáng sản chậm nộp và 7 giấy phép khai thác khoáng sản không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản. 24 giấy phép không nộp và 58 giấy phép nộp chậm báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác.
Đồng thời, 16 đơn vị với 17 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác, trong đó có 13 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác trên 15%, cá biệt có 5 giấy phép mà sản lượng khai thác vượt công suất khai thác tới trên 100%.
Trước những bất cập này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khẩn trương thực hiện xử lý theo quy định đối với các đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng không nộp, nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản và báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, đặc biệt là xử lý các đơn vị khai thác vượt công suất.
Bảo đảm sự phù hợp giữa Luật Khoáng sản và Luật Đất đai
Đánh giá về công tác phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh trong công tác quản lý nguyên khoáng sản, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một số tồn tại. Cụ thể, hằng năm, địa phương (tỉnh Thái Nguyên) chưa tổng hợp số liệu về công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại tỉnh trình UBND cấp tỉnh, đồng thời báo cáo Bộ Tài nguyên Môi trường.
Thực tế kiểm toán cho thấy, còn tình trạng hằng năm, các tỉnh, Bộ, ngành không thực hiện nộp báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản, cũng như báo cáo về việc thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Do chưa có sự phối hợp tốt giữa Bộ Tài nguyên Môi trường với các tỉnh dẫn đến thực trạng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản chưa tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường về công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cả nước để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Kiến nghị chính sách quan trọng được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và chỉ ra qua cuộc kiểm toán này là những vướng mắc giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Khoáng sản năm 2010. Liên quan đến kiến nghị trên, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, các dự án khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn… thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh cấp phép theo Luật Khoáng sản nhưng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, dẫn đến một số doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.
Thậm chí, doanh nghiệp không thể giải phóng mặt bằng do không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất, nhân dân không cho vào khai thác. Vì thế, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu với Chính phủ sửa đổi một số nội dung để đảm bảo sự phù hợp trong quy định pháp luật liên quan đến trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản…