Nâng cao hiệu quả kinh tế xuất khẩu quặng apatit, tăng thu cho ngân sách

Trước những khó khăn và biến động về thị trường, công ty Apatit Việt Nam đã chủ động đề xuất việc xuất khẩu lượng quặng apatit tồn kho và loại quặng loại 2 dạng bột khi trong nước chưa có nhu cầu sử dụng, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

 

Chú thích ảnh
Tuyển quặng tại Nhà máy Bắc Nhạc Sơn - Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam.

Vượt khó trong cơ chế thị trường

Những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, trong đó có yếu tố tác động trực tiếp đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam. Các đơn vị sản xuất phân bón gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, cạnh tranh mạnh với phân bón nhập khẩu. Chi phí sản xuất phốt pho tăng cao trong khi giá bán thấp khiến nhu cầu tiêu thụ quặng apatit cũng sụt giảm mạnh. Về chính sách cũng có nhiều thay đổi khi các loại thuế, phí tăng, nhiều doanh nghiệp ngoài Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) được cấp phép thăm dò, khai thác quặng Apatit khiến môi trường cạnh tranh khốc liệt và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thành phần doanh nghiệp nhà nước, trong đó có công ty. Ngoài ra, công ty còn chịu tác động bởi những khó khăn như các khai trường đã khai thác nhiều năm ngày càng khó khăn, phức tạp, hệ số bóc đất đá lớn, công tác đền bù giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc…

Ông Nguyễn Tiến Cường, Tổng giám Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cho biết, công ty đã chủ động tìm kiếm giải pháp xuất khẩu lượng quặng apatit trong nước chưa có nhu cầu sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hoạt động của 3 nhà máy tuyển được duy trì với công suất đạt và vượt thiết kế với mức 1.370.000 tấn/năm, việc điều chỉnh hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật phù hợp với các điều kiện sản xuất được đẩy mạnh. Hoạt động chế biến sâu nguồn quặng cũng được triển khai, đơn vị đã chủ động phối hợp với hãng Outotec (Phần Lan) nghiên cứu tính khả tuyển của quặng 3 tại khu Bắc Nhạc Sơn.

Việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đồng bộ hóa thiết bị, sử dụng thiết bị công nghệ có năng suất cao, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp vào sản xuất được coi trọng. Hiệu quả là năng suất của công nghệ, dây chuyền, thiết bị được phát huy, giá thành sản phẩm giảm, tiết kiện 5 đến 10% lượng điện năng tiêu thụ. Hiệu quả về mặt kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân là 3,23%. Công ty nộp ngân sách nhà nước 480 tỷ đồng/năm, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 227 tỷ đồng/năm. Bảo đảm đủ việc làm cho cán bộ, nhân viên, lao động với mức thu nhập bình quân 11,73 triệu đồng/tháng. Vốn nhà nước giao công ty liên tục phát triển, tăng từ 1.500 tỷ đồng (năm 2015) lên 1.814 tỷ đồng (năm 2019), tỉ suất lợi nhuận/doanh thu đạt mức bình quân 6,2%, công ty nộp lợi nhuận cho VINACHEM trong 5 năm qua là 319,6 tỷ đồng. Để tái cơ cấu phù hợp với tình hình mới, công ty đã giảm số phòng, ban tại các chi nhánh từ 4 đến 5 xuống còn 2 phòng, khối khai thác giảm từ 4 xuống còn 3 chi nhánh.

Chăm lo tốt cho người lao động

Chú thích ảnh
 Công nhân Nhà máy Bắc Nhạc Sơn - Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đang vận hành máy tuyển.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, do tác động của kinh tế thế giới và trong nước, năm 2019, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn khiến lao động, thiết bị dôi dư. Trước thách thức trên, Đảng ủy và lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng phương án rà soát, bố trí và sử dụng lao động trong Công ty Apatit Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 và Quy chế nội bộ hỗ trợ cho cán bộ, công nhân, lao động nghỉ việc năm 2019. Theo đó, trong năm 2019 đã có 345 người nghỉ chế độ được hỗ trợ 20 tỷ đồng, riêng Công đoàn Công ty hỗ trợ 300.000 đồng/người. Công đoàn Công ty còn tham gia công tác tổ chức, sắp xếp, bố trí việc làm, xây dựng thỏa ước lao động tập thể, xây dựng kế hoạch, giám sát việc thực hiện chế độ bảo hộ lao động và các chế độ khác đối với người lao động.

Từ năm 2017 đến nay, công ty đã tổ chức cho trên 3.300 lượt công nhân, viên chức, lao động đi tham quan, học tập, nghỉ dưỡng, khám sức khỏe định kỳ. Trích từ nguồn quỹ phúc lợi giải quyết cho 54 cán bộ, công nhân, lao động vay hơn 3,7 tỷ đồng xây dựng mới và nâng cấp nhà ở, hỗ trợ 8 gia đình xây dựng nhà ở từ nguồn quỹ “Xã hội Công đoàn tỉnh Lào Cai” và quỹ “An sinh xã hội Tập đoàn hóa chất”. Trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngoài tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân, người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, công ty đã mua hơn 4.200 khẩu trang phát cho cán bộ, công nhân, viên chức, lao động; mua hơn 1.000 lọ nước rửa tay khô và bố trí máy đo thân nhiệt phục vụ công tác phòng dịch để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Chú thích ảnh
Tuyển quặng tại Nhà máy Bắc Nhạc Sơn-  Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam.

Cùng với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phong trào văn hóa - thể thao luôn được Công đoàn Công ty quan tâm với việc tổ chức các chương trình biểu diễn, thi đấu, duy trì hoạt động của các đội văn nghệ xung kích, các câu lạc bộ bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, quần vợt trong khối văn phòng và các đơn vị trực thuộc. Các phong trào giữ gìn xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động được phát động và đẩy mạnh hoạt động thực chất ở các đơn vị, chi nhánh.

Trong giai đoạn 2017 - 2020, số vụ tai nạn lao động liên tục giảm, số công nhân, lao động mắc bệnh nghề nghiệp không tăng. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động của công ty tích cực “lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Ba năm qua, công ty đã có 110 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất của 553 lượt cá nhân, với tổng giá trị làm lợi hơn 37 tỷ đồng.

Trong suốt 65 năm xây dựng và trưởng thành (1955-2020) công ty Apatit Lào Cai đã không ngừng thi đua, nỗ lực vượt qua những khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh Lào Cai. Từ sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp đã từng bước phát triển khai thác, sản xuất công nghiệp quy mô, bề thế, xứng đáng là đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Hồng Ninh (TTXVN)
Rà soát đề án Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ
Rà soát đề án Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ

Rà soát và sớm hoàn thiện đề án Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên tại cuộc họp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” ngày 15/9, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN