Cả bốn tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa còn rất nhiều sản phẩm là đặc sản, đặc trưng, ngon và lạ. Nhiều sản phẩm vốn nổi tiếng từ lâu, không chỉ ở các cấp địa phương mà trở thành “tên tuổi” để bạn bè, du khách gần xa nhắc đến.
Mặc dù vậy, chương trình OCOP chưa thể “điểm mặt, chỉ tên” một cách danh chính, ngôn thuận. Ví như tôm hùm ở các xã đảo Bình Ba, Bình Hưng (thành phố Cam Ranh - Khánh Hòa), nơi đây mỗi năm đón hàng nghìn du khách vượt sóng vịnh Cam Ranh để được một lần đến thưởng thức món ăn đậm mùi vị biển, đảo. Hay như tỏi thô Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn) của Quảng Ngãi đã từ rất lâu nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc, nhưng hiện vẫn chưa đứng vào “hàng ngũ” OCOP, do chưa có chủ thể nào đứng ra đăng ký tham gia chương trình.
Còn ở Phú Yên, mặc dù chính quyền tỉnh đề ra chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cho việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, bộ nhận diện; mã vạch; tem truy xuất nguồn gốc với mức tối đa không quá 20 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 3 sao; 40 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 4 sao; 60 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 5 sao, nhưng không ít sản phẩm, đặc sản trứ danh vẫn còn nằm ngoài danh sách của OCOP vì nhiều lý do.
Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, tiềm lực sản phẩm tham gia OCOP của tỉnh rất lớn, nhưng việc tuyên truyền sâu rộng để người dân tham gia còn hạn chế. Muốn các chủ thể tham gia OCOP, ngành nông nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện đều phải đến tận nơi vận động, thuyết phục, hỗ trợ toàn diện chu trình OCOP từ thủ tục kiểm định chất lượng, mẫu mã bao bì cho đến xây dựng câu chuyện sản phẩm. Rất ít chủ thể doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động tìm đến để được hỗ trợ đưa sản phẩm tham gia OCOP.
Trong khi đó, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho hay, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai chương trình OCOP; tập huấn cho thành viên các làng nghề; xúc tiến thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã.
“Khi các chủ thể hoàn thành việc xây dựng sản phẩm và tiến hành đăng ký công nhận OCOP, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá ngay và ra quyết định cộng nhận nếu đạt. Đối với các sản phẩm hạng 5 sao sẽ gởi hồ sơ ra Trung ương đánh giá, công nhận”, ông Đào Văn Hùng nói.
Tỉnh Quảng Ngãi thì cho rằng đây là chương trình mới, cán bộ từ cấp tỉnh đến huyện, xã chưa có kinh nghiệm, chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của chương trình OCOP với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, dẫn đến sự lúng túng trong hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia. Hơn nữa, hiện nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách riêng cũng như chưa được cụ thể hóa một cách rõ ràng cho việc thực hiện chương trình OCOP.
Đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 1110/BNN-VPĐP về hướng dẫn tiếp tục thực hiện chương trình OCOP năm 2021. Theo đó, các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP cấp tỉnh, cần áp dụng thực hiện các chính sách hiện hành của Nhà nước về nhiều lĩnh vực riêng biệt như phát triển ngành nghề, phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ trợ lãi suất tín dụng, khoa học công nghệ, khuyến nông, nông thôn mới… để thực hiện chương trình OCOP.
Theo các tỉnh Nam Trung bộ, các chính sách hỗ trợ được thực hiện lồng ghép tuy khá đầy đủ, nhưng lại thiếu đồng bộ, luôn thay đổi, dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương. Lúc này, các tỉnh, thành trong cả nước đang cần một một kế hoạch thực hiện dành riêng cho chương trình OCOP một cách cụ thể và dài hạn (có thể là giai đoạn 2021 - 2025) với cơ chế, chính sách riêng biệt được ban hành từ Trung ương.
Trong khi chờ điều đó, tỉnh Phú Yên đã xây dựng dự thảo Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 125 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; có 20% sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 5% sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 3% sản phẩm nhóm du lịch, dịch vụ đạt OCOP 3 sao; 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã… Trong số đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; 30% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã đưa vào báo cáo chính trị định hướng cho chương trình OCOP giai đoạn này là "đẩy mạnh chương trình OCOP theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị”. Hiện nay Khánh Hòa cũng đang soạn thảo kế hoạch, định hướng thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2025, đưa ra mục tiêu từ sản phẩm đã có, sẽ nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện đạt ít nhất 200 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh; trong đó có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP Quốc gia; có ít nhất 50 sản phẩm mới đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Còn tại Bình Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, mặc dù gặp một số khó khăn nhất định trong tình hình dịch bệnh, nhưng trong năm 2021 này sở vẫn đề ra kế hoạch xây dựng thêm 30 sản phẩm địa phương đạt chất lượng OCOP. Hiện các xã có sản phẩm đăng ký đang tập trung xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm.
Các tỉnh Nam Trung bộ đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP của mỗi tỉnh, bao gồm đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức; tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình, xây dựng cơ chế chính sách; nâng cao chất lượng đánh giá, phân hạng sản phẩm; đổi mới và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn đã và đang hiện hữu hiện nay đối với việc triển khai chương trình OCOP tại các tỉnh Nam Trung bộ đó là dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tương đối lớn. Khánh Hòa có hơn 6.530 ca mắc, Phú Yên trên 2.650 ca, Quảng Ngãi hơn 670 ca, Bình Định trên 710 ca. Các tỉnh này đã phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong mấy tháng qua, mọi việc gần như đình trệ, các sản phẩm OCOP tiêu thụ khó khăn. Đây là một tác động tiêu cực, phát sinh mới, không lường trước được và khó dự đoán diễn biến. Do vậy, các tỉnh Nam Trung bộ cần bổ sung yếu tố này và điều chỉnh kế hoạch hành động, thực hiện chương trình OCOP trong giai đoạn tới.
Có thể nói, chương trình OCOP là cơ hội để phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương Nam Trung bộ, khi mà vùng đất này có rất nhiều sản phẩm, đặc sản. Nếu thực hiện tốt, chương trình sẽ góp phần nâng cao sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn theo quy định; kiểu dáng bao bì thuận tiện, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh, quốc gia để vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.