Hiện thị trường trong nước đã và đang trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, vì vậy Bộ Công Thương dự kiến tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chưa loại trừ yếu tố giá sẽ đạt khoảng từ 9 - 9,5%/năm.
Đặc biệt, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2025 đạt khoảng từ 35 - 40% và dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại như: trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm logistic… tại các thành phố lớn.
Do vậy, tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung phát huy hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường; tăng cường năng lực điều tiết thị trường đối với các mặt hàng trọng yếu; thông qua các công cụ, cơ chế phù hợp để điều tiết, ổn định thị trường, đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Cùng với đó, Bộ Công Thương dự kiến đến năm 2025, 90% các cơ sở kinh doanh tại các tỉnh, thành phố không còn tình trạng bày bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hơn nữa, sẽ có tới 90% các kho hàng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê kho tại các tỉnh, thành phố không chứa hàng nhập lậu, hàng giả; 100% cơ sở kinh doanh tại các tỉnh, thành phố thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; 100% các làng nghề không sản xuất hàng giả.
Tại báo cáo tổng kết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương nêu rõ, thị thị trường trong nước giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Điều này thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng khoảng 9,2% trong 5 năm qua.
Cụ thể, năm 2016 con số này chỉ dừng ở mức 3.546 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2019 đã lên tới 4.940 nghìn tỷ đồng và tăng trưởng đồng đều giữa các nền kinh tế. Đáng lưu ý, đóng góp của thị trường trong nước vào GDP cũng tăng liên tục, từ 10,5% năm 2016 lên 11,16% năm 2019.
Không dừng lai ở đó, kết nối cung - cầu cũng được Bộ Công Thương thực hiện tốt, góp phần bình ổn giá trên thị trường. Từ việc gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc, hệ thống hàng Việt đã từng bước lớn mạnh và nhận được sự ủng hộ của hầu hết người tiêu dùng trên cả nước.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, 90% đối với hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ.
Chẳng hạn như tại hệ thống siêu thị Co.opmart, hàng Việt luôn chiếm tỷ lệ từ 90 - 93%, Satra: 90-95%, VinMart: 96%... và trên 70% tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam như Lotte, Big C là 90%, AEON, Citimart là 82 - 85%.