Cụ thể, tổng sản lượng thủy điện dự kiến là 82,5 tỷ kWh, cao hơn 3,8 tỷ kWh so với năm 2021. Các nguồn điện truyền thống dự kiến vào vận hành năm 2022 là 3.407 MW, bao gồm các nhà máy nhiệt điện lớn (600 MW/tổ máy) như Nghi Sơn 2 và Sông Hậu 1. Trong năm 2022 không bổ sung nguồn điện gió, điện mặt trời trang trại và điện mặt trời mái nhà. Bên cạnh đó, khả năng cấp khí cho sản xuất điện năm 2022 trong những ngày bình thường từ nguồn khí Đông Nam Bộ đạt từ 13,5 - 14,5 triệu m3 khí/ngày, Khí Tây Nam Bộ đạt từ 3,9 - 4,5 triệu m3/ngày. Năm 2022 dự kiến mua điện Trung Quốc với sản lượng khoảng 380 triệu kWh trong các tháng 5, 6.
Đối với miền Bắc, trong năm 2022, phụ tải đỉnh miền Bắc dự kiến tăng trưởng từ 9,5 – 13%, tương đương nhu cầu tăng thêm 2.497 – 2.870 MW/năm. Trong bối cảnh không có nhiều nguồn mới bổ sung, miền Bắc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh, đặc biệt trong các tháng nắng nóng cao điểm (5-6-7). Với thực tế này, Điều độ quốc gia đã đề xuất các biện pháp nâng cao khả năng cấp điện cho miền Bắc trong năm 2022 như: Điều chỉnh lịch sửa chữa; Thay đổi kết dây khu vực Nghi Sơn khi cần thiết để tận dụng tối đa khả năng cấp điện của nhà máy Nghi Sơn 2 cho miền Bắc; Đề xuất và tính toán mua điện Trung Quốc theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đẩy mạnh triển khai chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR).
Về chi phí phát điện năm 2022, theo Phó Giám đốc Nguyễn Quốc Trung, hiện tại các mỏ khí giá rẻ đang ngày càng suy giảm. Các mỏ khí giá đắt được đưa vào khai thác đồng thời với chính sách các nhà máy điện khí BOT vẫn tiếp tục được áp dụng giá khí bao tiêu dẫn tới đẩy chi phí các mỏ khí mới vào các nhà máy điện khí khác cùng khu vực, ảnh hưởng tới chi phí điện toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, ngay cả khi đã đóng điện đủ các công trình mới quan trọng để đảm bảo cung cấp điện cho các trung tâm phụ tải quan trọng như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cũng như giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), nhiều máy biến áp 500kV đầy tải ngay trong chế độ vận hành bình thường. Đặc biệt hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ thiếu công suất đỉnh ở mức khoảng 1.590 MW với phương án công suất Pmax tăng trưởng 9,5% và khoảng 2.770 MW với phương án Pmax tăng trưởng 15% trong các tháng cao điểm mùa khô.
Cũng theo Phó giám đốc ĐĐQG, vấn đề giải tỏa các nguồn NLTT trong năm 2022 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do lưới điện chưa đáp ứng kịp so với lượng nguồn NLTT đã được đưa vào vận hành trong các năm vừa qua. Cụ thể tại các khu vực: Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu. Ngoài ra, với tỷ lệ nguồn NLTT đưa vào vận hành ngày càng cao, vấn đề ổn định hệ thống điện trong vận hành thời gian thực là một thách thức rất lớn.
Như vậy, để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn vận hành, an toàn, tin cậy và kinh tế hệ thống điện thì việc tính toán, vận hành hệ thống điện Quốc gia nói chung và miền Bắc nói riêng trong năm 2022 sẽ tiếp tục có rất nhiều thử thách đối với Điều độ Quốc gia nói riêng và EVN nóichung.
Trở lại năm 2021 là một năm vận hành với nhiều biến động và khó khăn của hệ thống điện Quốc gia. Vào giai đoạn đầu năm, phụ tải hệ thống điện Quốc gia vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tới tháng 02/2021, mức tăng trưởng tháng bình quân so với cùng kỳ năm 2020 chỉ đạt khoảng 4,35%. Từ tháng 03/2021, phụ tải hệ thống điện (HTĐ) Quốc gia bắt đầu phục hồi, đặc biệt vào giai đoạn cuối tháng 5-6/2021, nắng nóng cực đoan bất thường xảy ra tại khu vực miền Bắc làm phụ tải HTĐ miền Bắc tăng cao đột biến (14,3%), cùng với yếu tố suy giảm công suất tại nhiều nhà máy điện dẫn đến Trung tâm điều độ HTĐ Quốc gia đã phải thực hiện giải pháp tiết giảm phụ tải HTĐ miền Bắc trong một số giờ cao điểm.
Tới tháng 7/2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại, phụ tải HTĐ Quốc gia suy giảm nặng nề do chính sách cách ly xã hội tại nhiều tỉnh/thành phố lớn trên toàn quốc, đặc biệt tại các tỉnh/thành phố lớn miền Nam và kéo dài đến cuối tháng 10/2021, một số tháng tăng trưởng âm so với năm 2020. Từ giai đoạn đầu tháng 11/2021 đến hết năm 2021, các khu công nghiệp, trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc đã dần quay lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, phụ tải HTĐ Quốc gia theo đó cũng dần tăng trưởng trở lại. Tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống năm 2021 đạt 255 tỷ kWh, tăng 3,2% so với năm 2020.
Trong khi đó, tình hình thuỷ văn có nhiều diễn biến bất thường, trái với quy luật nhiều năm. Trước đây, các hiện tượng thời tiết đặc biệt như bão, lũ, hạn hán diễn ra có quy luật theo mùa, tuy nhiên những năm gần đây hiện tượng thời tiết này có thể xuất hiện quanh năm. Trong cả giai đoạn mùa mưa ở miền Bắc, dòng chảy trên dãy sông Đà dao động điều hòa, không có đột biến, có thể coi như không có lũ. Tổng lượng nước về hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm. Chuyển sang giai đoạn mùa tích nước, từ cuối tháng 10-11 xuất hiện lũ đột biến trái mùa ở miền Bắc, tạo ra tổ hợp lũ cùng xuất hiện trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đây là hiện tượng rất đặc biệt và đã gây ra khó khăn nhất định trong dự báo dòng chảy và điều tiết vận hành sản xuất điện.
Đáng chú ý trong năm 2021, tỷ trọng các nguồn điện không điều độ được trong hệ thống điện đã phát triển tương đối cao. Đặc biệt vào các tháng 9-10/2021 (trước khi kết thúc cơ chế giá FIT khuyến khích phát triển điện gió), một số lượng lớn các nhà máy điện gió đã đóng điện hòa lưới trong giai đoạn này, nâng tổng công suất các nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD) tính đến hết ngày 31/10/2021 lên đến 3.980 MW.
Theo đó tổng công suất đặt các nhà máy điện (NMĐ) tự điều độ (bao gồm NMĐ gió, sinh khối, solarfarm, rooftop và nhà máy thủy điện vận hành theo cơ chế chi phí tránh được) trên toàn hệ thống lên khoảng 24.400 MW, chiếm khoảng 29,1% công suất đặt toàn hệ thống dẫn đến giảm độ linh hoạt trong điều hành HTĐ Quốc gia.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Quốc Trung cho biết, với sự chỉ đạo sát sao của EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các Trung tâm Điều độ HTĐ miền đã vận hành hệ thống điện và thị trường điện năm 2021 đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt trong các dịp lễ tết, các ngày diễn ra sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội quan trọng của đất nước.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, tổng nguồn điện mới đưa vào vận hành năm 2021 là 7.433 MW, nâng tổng công suất đặt HTĐ Quốc gia lên 78.682 MW; trong đó bao gồm 75 NMĐ gió với tổng công suất khoảng 3.600 MW. Đến cuối năm 2021, tổng số nhà máy ĐĐQG nắm quyền điều khiển là 337, tăng 73 nhà máy so với năm 2020. Hiện có 104 nhà máy tham gia trực tiếp trong thị trường điện với tổng công suất đặt 27.990 MW, chiếm 36,8% tổng công suất đặt các nhà máy điện. Trong năm có thêm 4 nhà máy mới tham gia thị trường với tổng công suất 372 MW. Tuy nhiên, tỷ trọng nguồn tham gia thị trường điện so với tổng công suất đặt hệ thống lại giảm xuống còn 36,8% do đa phần các nguồn mới vận hành là nguồn không phải đối tượng hoặc chưa tham gia thị trường điện.
Ngoài ra, ĐĐQG còn đóng điện nghiệm thu nhiều công trình đường dây và trạm biến áp (TBA) quan trọng trên lưới điện 500kV như: Đóng điện mới 8 máy biến áp với tổng dung lượng 4.387 MVA; Nâng công suất 5 máy biến áp với tổng dung lượng 3.900 MW; Đóng điện mới 14 đường dây 500kV với tổng chiều dài 2.022 km. Đây là các công trình trọng điểm của HTĐ Quốc gia trong năm 2021, góp phần quan trọng vận hành hệ thống điện an toàn và ổn định và giải tỏa công suất cho nguồn NLTT, mang lại hiệu quả kinh tế và chính trị to lớn. Đồng thời đóng mới 203 máy biến áp 220kV - 110kV với tổng dung lượng 13.016 MVA; đóng mới 236 đoạn đường dây 220kV - 110kV với tổng chiều dài 3.450 km.
Đặc biệt, ĐĐQG đã vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn như nắng nóng cao điểm mùa khô tại miền Bắc; các cơn bão lớn số 5, số 6, số 7, số 13 trong giai đoạn mùa lũ tại miền Trung; khối lượng lớn công việc liên quan tới đóng điện công trình mới nguồn năng lượng tái tạo và các công trình lưới điện hỗ trợ giải tỏa công suất nguồn, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm cuối năm 2021.