Sản lượng điện năng lượng tái tạo tăng gần 160%

Theo báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng thủy điện và năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối được huy động tăng mạnh trong 4 tháng của năm 2021.

Chú thích ảnh
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Theo đó, sản lượng điện năng lượng tái tạo đạt 9,5 tỷ kWh, tăng 156,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Riêng điện mặt trời đạt 8,73 tỷ kWh, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ.

Sản lượng thủy điện đạt 18,39 tỷ kWh, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 22,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Huy động nhiệt điện than đạt 41,48 tỷ kWh, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 51,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; tua bin khí đạt 10,55 tỷ kWh, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 13,1% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Nhiệt điện dầu được huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh, điện nhập khẩu đạt 481 triệu kWh, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 0,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

EVN cho hay, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 4/2021 đạt 22,19 tỷ kWh, đạt 101,7% kế hoạch. Lũy kế 4 tháng đạt 80,67 tỷ kWh, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 4/2021 đạt 20,01 tỷ kWh, tăng 16,51% so với tháng 4/2020. Luỹ kế 4 tháng đạt 70,84 tỷ kWh, tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 4 năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo điện phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/04 và 01/05.

Về kinh doanh và dịch vụ khách hàng, trong 4 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 67,81%. Tỷ lệ tiền điện được thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt trên 90%.

Cuối tháng 4/2021 đã xuất hiện nhiều ổ dịch COVID-19 mới ở nhiều tỉnh, thành phố, số trường hợp nhiễm dịch trong cộng đồng tăng nhanh, diễn biến rất phức tạp, khó lường và có nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng. Để đảm bảo đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, liên tục hệ thống điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện gấp các biện pháp cấp bách, ứng phó với diễn biến phức tạp của đợt dịch bệnh COVID-19 mới.

Dự kiến trong tháng 5/2021, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 774,3 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 39.859 MW. Với tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài ở cả 3 miền, mức độ tiêu thụ điện toàn quốc có khả năng vượt đỉnh cũ để thiết lập mốc kỷ lục mới.

EVN đặt mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và sinh hoạt người dân, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ diễn ra vào ngày 23/5/2021.

Đồng thời, tập đoàn khai thác nhiệt điện than và tua-bin khí theo cấu hình nguồn, nhằm khai thác tối đa có thể năng lượng tái tạo; điều tiết các hồ thủy điện bám sát kế hoạch năm và đảm bảo cấp nước hạ du cho các địa phương; các tổng công ty phát điện đảm bảo khả dụng các tổ máy cao nhất có thể trong các tháng mùa khô của năm; vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc - Nam.

Đức Dũng (TTXVN)
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Việt Nam gây ấn tượng
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Việt Nam gây ấn tượng

Trang Financial Times của Anh ngày 26/4 đăng bài viết nhận định rằng việc Việt Nam mở rộng các trang trại điện gió và năng lượng mặt trời chứng tỏ việc chuyển dịch sang năng lượng “xanh” được xác định là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN