Sau khi tránh được suy thoái kinh tế trong năm ngoái, Đức đặc biệt dễ bị tổn thương trước hai nguy cơ nói trên. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, xuất khẩu chiếm gần một nửa giá trị nền kinh tế và ôtô tới nay vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đức với doanh số bán hàng năm đạt 230 tỷ USD. Thị trường quan trọng nhất đối với xe hơi xuất khẩu của Đức năm 2018 là Mỹ, với kim ngạch đạt 27,2 tỷ euro. Tiếp đến là Trung Quốc với 24,7 tỷ euro và Anh 22,5 tỷ euro.
Theo ước tính của ngân hàng Commerzbank và Viện Lfo, nếu xảy ra hai kịch bản là Mỹ áp thuế đối với ôtô nhập khẩu và "Brexit cứng", tác động kép này có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Đức mất 0,7% trong dài hạn. Chính phủ Đức đã dự báo kinh tế nước này sẽ chỉ đạt tăng trưởng 1% trong năm 2019, so với mức tăng 1,4% của năm 2018. Tuy nhiên, mức dự báo này được xây dựng dựa trên giả thiết rằng thị trường thế giới có thể tránh được sự leo thang trong tranh chấp thương mại Mỹ-Trung và Brexit không thỏa thuận.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và các bộ trưởng đang nỗ lực làm việc để ngăn chặn tác động xấu đối với kinh tế Đức nếu kịch bản xấu nhất là "Brexit cứng" xảy ra. Tăng trưởng kinh tế Đức suy giảm, thậm chí là suy thoái, sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của toàn bộ Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đe dọa kế hoạch rút khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu.