Năm 2018, ngành tài chính thu ngân sách nhà nước tăng 7,8%

Năm 2018 thu ngân sách vượt so với dự toán với tỷ lệ khá cao so với nhiều năm gần đây. Đến hết 31/12/2018, thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 1.422,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so dự toán.

Chiều 9/1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác tài chính ngân sách tài chính năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo triển khai tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và chính quyền địa phương làm tốt quản lý thu, chú trọng khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; quyết liệt xử lý nợ thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế,...

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nhờ đó, năm 2018 thu ngân sách vượt so với dự toán với tỷ lệ khá cao so với nhiều năm gần đây. Đến hết 31/12/2018, thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 1.422,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so dự toán (trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5% so dự toán), tăng 64,3 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên đạt 25,7% GDP, riêng thuế và phí đạt 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP).

Bộ trưởng cũng cho biết, việc điều hành chi ngân sách nhà nước được thực hiện chủ động, tích cực, với phương châm chặt chẽ, tiết kiệm xuyên suốt từ khâu phân bổ dự toán cho đến quá trình thực hiện. Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Nhờ thu ngân sách đạt khá, nên Bộ trưởng cho biết, các nhiệm vụ chi ngân sách cũng được đảm bảo theo dự toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách và có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh về đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27% (mục tiêu giai đoạn 2016-2020, chi thường xuyên dưới 62% tổng chi ngân sách nhà nước. Dự phòng ngân sách các cấp được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định; trong đó, ngân sách Trung ương đã sử dụng trên 2,5 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, lụt, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai. Bên cạnh đó, đã xuất cấp trên 122,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.

Riêng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận vẫn chậm chuyển biến. Ước tính đến 31/12/2018, vốn giải ngân mới đạt 67,6% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 70,7% dự toán), trong đó vốn ngoài nước đạt 39,6%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 40,4% dự toán.

Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018 ước dưới 3,6% GDP thực hiện (dự toán 3,7% GDP); nợ công dưới 61% GDP. Việc quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, còn phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, tác động không thuận đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính– ngân sách nhà nước như cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư công còn chậm; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiệm vụ xử lý những dự án trọng điểm thua lỗ của Nhà nước chuyển biến chưa rõ nét; giải ngân vốn đầu tư công chậm; nợ nước ngoài của quốc gia còn ở mức cao; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; tình trạng thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị.

Năm 2019, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngành tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển; thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước đã đề ra; quyết liệt thu ngân sách; quản lý, điều hành chi ngân sách theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm.

Đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, tập trung hoàn thiện thể chế theo kế hoạch đã đề ra; thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Thùy Dương (TTXVN)
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động đến ngành tài chính
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động đến ngành tài chính

Tại Hội thảo khoa học "Tăng cường năng lực ngành tài chính trong tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ Tài chính tổ chức Ngày 11/5, theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ có tác động đến các lĩnh vực như: Thu ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis), thuế, hải quan…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN