Mỹ vỡ nợ sẽ làm rung chuyển kinh tế thế giới

Ông Jose Vinals, cố vấn tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vừa khuyến cáo việc Chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ nếu Quốc hội đang bị chia rẽ của nước này không nhất trí nâng trần nợ công sẽ tác động rất nghiêm trọng tới sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, song cho nguy cơ điều này xảy ra là rất nhỏ.

Theo ông, "điều chắc chắn là các thị trường trên thế giới sẽ phản ứng rất mạnh và chúng ta nên hy vọng rằng kịch bản trên sẽ không xảy ra".
Theo IMF, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần, đã bước sang ngày thứ 10 (tính đến ngày 10/10) đã làm tăng thêm sự bất ổn về đà hồi phục vẫn còn mong manh của kinh tế thế giới. Trong Báo cáo Bình ổn Tài chính Toàn cầu, IMF cảnh báo việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần trong thời gian ngắn sẽ chỉ tác động hạn chế song nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

Ảnh minh họa: Internet


Báo cáo trên của IMF cho rằng nền kinh tế Mỹ "khoẻ mạnh" sẽ góp phần củng cố sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra, việc Mỹ kiểm soát lộ trình cắt giảm chương trình mua trái phiếu một cách suôn sẻ có thể tạo ra những thách thức khi cả lãi suất và sự biến động trên thị trường đều gia tăng. Ông Vinals cho rằng tiến trình này sẽ là điều chưa từng xảy ra và khá phức tạp, đồng thời lưu ý về việc lãi suất thị trường dài hạn đã bắt đầu tăng trước những dự đoán về việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu, qua đó có thể tác động bất lợi đến đà hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Báo cáo của IMF cũng cho rằng một nguy cơ tiềm tàng khác đối với sự ổn định tình hình tài chính toàn cầu là khả năng lãi suất dài hạn có thể tăng nhanh hơn dự kiến. Liên quan tới các chính sách ổn định tình hình tài chính toàn cầu của báo cáo trên, IMF hối thúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cần thông báo rõ ràng các dự định về kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu.

Trong khi đó, các nền kinh tế đang gặp khó khăn như Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tiếp tục phải đối mặt với gánh nặng nợ doanh nghiệp. Một tỷ lệ lớn nợ doanh nghiệp của Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang thuộc về các công ty có khả năng trả nợ thấp và điều này sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng ở các nước này. Theo IMF, châu Âu cần cải thiện nguồn cung tín dụng cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển và nhiều nhà hoạch định chính sách nhận thấy tăng trưởng yếu trên toàn cầu là một nguyên nhân căn bản góp phần vào sự hồi phục kinh tế chậm chạp.

Ngoài ra, IMF cũng cảnh báo nếu Nhật Bản không thực hiện thành công tiến trình cải cách cơ cấu và tài khoá thì điều này cũng sẽ dẫn tới nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu, trong khi đánh giá cao động thái tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% từ tháng 4/2014 của Nhật Bản, được coi là sẽ góp phần cải thiện tình hình ngân sách của nước này. Trong báo cáo Giám sát Tài khoá, IMF hối thúc Nhật Bản cần phát triển một kế hoạch trung hạn chuẩn xác và đáng tin cậy để giảm bớt thâm hụt ngân sách "nhanh nhất có thể" bằng cách thực hiện các biện pháp như hạn chế chi tiêu an sinh xã hội.

Về phần mình, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo việc Mỹ không nâng được trần nợ công có thể đẩy hầu hết các nền kinh tế công nghiệp phát triển rơi vào tình trạng suy thoái trong năm 2014 và các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với sự suy giảm mạnh mẽ, đồng thời đe doạ sự ổn định của nền kinh tế thế giới. Theo OECD, nếu Mỹ không nâng được trần nợ công sẽ dẫn tới một sự sụt giảm chi tiêu chính phủ mạnh mẽ, qua đó lấy đi 4 điểm phần trăm tăng trưởng của kinh tế nước này (hiện ở mức 2%/năm).


Anh Quân
(Theo AP)
Nước Mỹ có thể vỡ nợ ra sao?
Nước Mỹ có thể vỡ nợ ra sao?

Ngày 17/10 tới đây là thời điểm Bộ Tài chính Mỹ hết sạch mọi “biện pháp đặc biệt” để gia hạn khả năng vay mượn của chính phủ mà không phá vỡ trần nợ về mặt kỹ thuật. Vậy nước Mỹ có thể bị vỡ nợ như thế nào và khi nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN