Mùa xuân trên đảo Phú Quý

Mùa xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật, đặc biệt với những ngư dân thuộc các huyện đảo, mùa xuân được xem như mùa của ước vọng.


Đột phá từ thủy sản


Dẫn chúng tôi đi trên con đường láng mịn, Nguyễn Đức Phong, cán bộ kinh tế của huyện đảo Phú Quý tâm sự: “Đây là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, cách đất liền 56 hải lý theo hướng Đông Đông Nam, có diện tích tự nhiên 17,28 km2 gồm 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải, phần lớn đất đồi cát. Cách đây 10 năm thôi, có hàng ngàn dân huyện đảo này phải thiếu đói những ngày giáp Tết nhưng cảnh đó giờ là quá khứ rồi”.


Huyện đảo Phú Quý ngày càng khởi sắc.


Cứ 10 người dân Phú Quý thì có 8 người thông thạo ngành ngư nghiệp. Vậy nên, “lột xác” được hay không cũng nhờ cả vào đó, người ta xem đây là ngành xương sống của huyện đảo này. Từ sự khởi xướng của một vài hộ dân, đến nay có 102 trang trại trại cá mú tiền tỷ đã mọc lên quanh đảo Phú Quý. Lồng bè được liên kết với nhau bằng loại gỗ dầu, xung quanh bao bọc lưới cước, phía dưới thanh gỗ đặt nhiều thùng phi làm giá đỡ nâng lồng bè nổi lên mặt nước. Một lồng bè rộng khoảng 100 m2 và được chia thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô rộng 4 m2 sâu 2 m, nhờ sự lên xuống của thủy triều nên nước nuôi cá mú luôn sạch sẽ, thức ăn của chúng là các loại cá tạp. Giống cá được mua từ Đài Loan (Trung Quốc), mỗi con cá giống khoảng 100g giá 107.000 đồng, nuôi trong 2 năm cá nặng trên 1 kg và người dân bán được 540.000/kg, tiền lời gấp 7 lần so với trồng lúa nước.


Ông chủ lồng bè Nguyễn Du bên trang trại hải sản tiền tỷ của mình.


Nguyễn Du, một ông chủ lồng bè cá mú ở thôn Phú Long (xã Tam Thanh) khoe: “nhà tôi nuôi cá mú từ năm 2008, lồng bè có diện tích 250 m2 đã bán được nhiều lần, mỗi lần được 400 triệu đồng. Ở đây những gia đình nuôi cá mú thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm là chuyện bình thường. Không có con cá mú này thì Phú Quý khó mà thoát được nghèo”. Theo các ngư dân già ở Phú Quý thì từ những năm đầu thế kỷ XX, Phú Quý đã nổi tiếng với các loại hải đặc sản quí hiếm, thương lái khắp nước đổ về mua cá khô, tôm hùm, các loại ốc... bán sang Cao Miên. Có nền tảng như vậy, ngành hải sản Phú Quý vươn lên như hôm nay là điều dễ hiểu.


Hiện tại người dân Phú Quý còn sáng tạo ra mô hình nuôi thủy sản gắn với du lịch. Nguyễn Văn Tùng, người đi đầu trong mô hình này khẳng định: “Xuân Quý Tỵ này cả huyện đảo đều trọn vẹn niềm vui, tiền thu về từ mô hình gắn thủy sản với du lịch lên đến hàng trăm triệu đồng”. Khách tham quan thường kháo nhau rằng, ra tới đây mà không ghé Long Hải thì coi như chưa ra Phú Quý. Tất cả các hồ nuôi thủy sản được xây dựng dựa trên kết cấu của những tảng đá lồi lõm nằm sát mép biển bậc thang kết hợp với ống xi măng trông rất bắt mắt. Tại đây có nhà hàng Long Vĩ, một sự kết hợp hoàn hảo giữa nuôi cá và du lịch. Đây là điểm đến hấp dẫn cho du khách tới tham quan, thưởng thức các loại hải sản tươi sống do chính nhà hàng cung cấp.


Nhiều tiềm năng


Điều nhận ra ngay khi đến huyện Phú Quý là hầu hết các ngư trường ở đây đều hiện đại, cảng cá cũng như các trang trại được xây dựng quy mô. Bên cạnh đó, hàng năm trung bình có trên 500 trăm lượt tàu thuyền của ngư dân đi đánh bắt xa bờ thuộc vùng quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Tuy nhiên, việc khai thác kinh tế biển vẫn chưa đạt hiệu quả như ý. Bởi vậy, năm 2013 Phú Quý sẽ đẩy mạnh việc thành lập các đội tàu công suất lớn chuyên thu mua và cung ứng dịch vụ nghề cá ngay trên biển và tại đảo. Những đội này sẽ sát cánh ra khơi xa cùng ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí sản xuất thay cho việc phải vào bờ sau mỗi chuyến đi, hải sản sẽ được vận chuyển tốc hành vào đất liền. Các tàu làm dịch vụ này sẽ được trang bị máy lạnh, có khả năng sơ chế ngay tại tàu.


Bờ kè chắn sóng vững chãi ở Phú Quý


Không giấu được niềm vui khi là người đầu tiên tham gia “đội tàu dịch vụ”, ngư dân Trần Công Chung chia sẻ: “Phát triển tàu dịch vụ sẽ nâng cao giá trị đánh bắt hải sản của ngư dân. Các tàu này còn mua cá tại các trang trại trên đảo, rồi chế biến đưa vào đất liền, hải sản giữ nguyên chất lượng, người dân thì tiết kiệm tối đa chi phí vận chuyển”. Không giống nhiều huyện đảo khác ở Nam Trung bộ, Phú Quý có khí hậu ôn hòa, ít bão tố, bao bọc quanh huyện đảo lại có nhiều trầm tích, danh thắng đẹp. Đây là một tiềm năng lớn để Phú Quý phát triển du lịch đảo.


Các bãi tắm như Triều Dương, bãi Doi Dừa, Gành Hang được hàng triệu du khách ghé đến mỗi năm. Một số hòn như hòn Hải còn ẩn chứa nguyên vẹn những nét nguyên sơ của tự nhiên. Đặc biệt, đây chính là nơi xuất phát của những con thuyền làm nghề câu cá mập nổi tiếng khắp miền Trung. Trên đảo còn nhiều danh lam thắng cảnh, khung cảnh của những di tích lịch sử như: chùa Linh Quang, Vạn An Thạnh có tuổi thọ trên 2.000 năm. Trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2015, việc bắt tiềm năng du lịch “đẻ” ra vàng cũng là nhiệm vụ quan trọng của huyện đảo Phú Quý. 


Sự chan hòa của tình người


Nhịp sống đô thị hóa cũng như các tệ nạn xã hội dường như chưa xuất hiện ở Phú Quý, hầu hết người dân còn giữ được nét truyền thống xưa: mến khách, hiền hòa, ít ganh đua. Mọi người dân trên đảo đều tỏ tường mặt nhau, bởi họ xem việc tìm đến nhau hàn huyên lúc nông nhàn là thú vui quan trọng, nhất là những ngày xuân.


Tiếp sức nhiều nhất cho nét đẹp truyền thống này cũng như tạo ra những cái Tết ấm cho số ít hộ nghèo còn lại trên đảo phải kể đến Hội chữ thập đỏ và UBMT Tổ quốc huyện. Hai tổ chức này đã xây dựng lực lượng thanh niên xung kích vững mạnh, công tác tuyên truyền, công tác huấn luyện, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, các hoạt đông sơ cấp cứu, hiến máu tình nguyện, khám chữa bệnh nhân đạo… luôn được đông đảo người dân ủng hộ tham gia.



Bài và ảnh:Hà Đạo - Xuân Hải 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN