Mùa xuân no ấm trên vùng đất biên cương

Từ trung tâm huyện Mường Nhé (Điện Biên), mất hơn 3 giờ đồng hồ đi bằng xe máy, vượt gần 100 km, qua những cung đường dốc quanh co, uốn lượn, qua các dãy núi xanh ngút ngát của núi rừng Tây Bắc, chúng tôi mới đến được xã Nà Hỳ. Bà con đang tấp nập xuống chợ trung tâm xã mua sắm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ, những ngôi nhà xây lợp ngói kiên cố của bà con các dân tộc nằm ẩn mình dưới màu xanh của núi rừng, nương ngô, thửa ruộng lúa nước, tất cả minh chứng một cuộc sống no ấm đang hiện hữu ở nơi đây.


Khác hẳn mấy năm trước, trung tâm xã Nà Hỳ giờ đây đã trở thành trung tâm mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân các xã Nà Bủng, Nà Hỳ và Nà Khoa... Thông qua những hoạt động buôn bán của người dân, chúng tôi đã có thể thấy hết được sự đổi thay của vùng đất biên cương này.


Những thửa ruộng lúa nước mang no ấm đến với đồng bào.


Nà Hỳ là nơi sinh sống của 4 dân tộc anh em là: Thái, Mông, Dao và Kinh. Nhắc đến Nà Hỳ trước đây, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất “5 không”: Không đường, không điện, không trường, không trạm, không giao thương với các vùng lân cận. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân gặp rất nhiều khó khăn.


Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Tình trạng chọc lỗ tra hạt khá phổ biến, người dân còn chưa biết áp dụng khoa học vào sản xuất và chăn nuôi; năng suất các loại cây trồng kém hiệu quả, vì vậy nghèo đói luôn rình rập trong mỗi gia đình; cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi hầu như không có.


Niềm vui của trẻ em Nà Hỳ khi được đến trường.


Nhưng đó chỉ là câu chuyện của những năm về trước. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã, đến nay Nà Hỳ đã được đầu tư xây mới nhiều công trình phúc lợi công cộng như đường giao thông, trường học, trạm y tế và hệ thống kênh mương bán kiên cố nội đồng, phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế và giáo dục được đầu tư xây dựng đồng bộ.


Đường về Nà Hỳ không còn xa.


Đến Nà Hỳ trong những ngày chuẩn bị đón Tết Quý Tỵ này mới thấy hết được sự đổi thay của mảnh đất phên giậu của Tổ quốc. Một trong những đổi thay có thể thấy rõ nhất là đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng lên đáng kể. Bà con các dân tộc trong xã giờ đây đã biết nắm bắt tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào trong sản xuất. Từ chỗ chỉ sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, nay đã bước sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.


Việc độc canh cây lúa nương đã dần được xóa bỏ; nông dân đã chuyển sang trồng lúa nước hai vụ. Vì vậy, năng suất và sản lượng lương thực của xã năm sau luôn đạt cao hơn năm trước. Bình quân lương thực của xã đã đạt 400 kg/người/năm. Nhiều giống cây trồng mới có năng suất cao được đưa vào sản xuất. Đặc biệt, phong trào nông dân làm kinh tế trang trại phát triển khá mạnh, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển kinh tế trang trại tổng hợp vừa và nhỏ, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.


Ông Lò Văn Khan, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ phấn khởi cho biết, khi đời sống đã bớt đi cái nghèo thì việc học tập của con em đồng bào các dân tộc cũng được quan tâm nhiều hơn. Đến nay Nà Hỳ đã có 4 trường học kiên cố, gồm 2 trường tiểu học, một trường THCS và 1 trường mầm non; 100% các điểm bản đều có lớp học mầm non và tiểu học, tỷ lệ học sinh lên lớp năm sau luôn cao hơn năm trước. Xã đã duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.


Cùng với sự đổi thay về kinh tế - giáo dục, hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân trong xã được quan tâm. Xã đã đầu tư xây dựng được một phòng khám đa khoa khu vực, một trạm y tế với cơ sở vật chất khá khang trang và đầy đủ những thiết bị y tế để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Việc đau ốm đã không còn phải nhờ đến cúng ma hay làm lý nữa, mà người dân đã yên tâm, tin tưởng vào đội ngũ cán bộ y tế của địa phương. Các chương trình y tế quốc gia được phối hợp thực hiện khá tốt, người già hay trẻ nhỏ đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.


Kinh tế phát triển, đời sống về mọi mặt của người dân được nâng lên, quốc phòng an ninh được giữ vững, đó là những gì mà trong những năm qua đồng bào các dân tộc của xã Nà Hỳ đã đạt được. Đây cũng là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của xã Nà Hỳ phấn đấu trong thời gian tới.


Nà Hỳ nay đã khác. Cái bụng của đồng bào các dân tộc nơi đây đã từng bước ổn định và no ấm. Những ngôi nhà sàn xen những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát. Bộ mặt của vùng nông thôn miền núi biên giới đã khởi sắc. Đồng bào các dân tộc trong xã Nà Hỳ đang nỗ lực hết mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 



Bài và ảnh:Minh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN