Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mặc dù gặp nhiều khó khăn về cơ cấu nguồn phát điện, song Tập đoàn cùng các Tổng công ty, Công ty điện lực sẽ nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ nhân dân.
Nỗ lực cung ứng điện
Theo dự báo của EVN, bắt đầu vào đợt cao điểm mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung, phụ tải điện tiếp tục tăng trưởng cao (chủ yếu rơi vào hai tháng 6 và 7) theo chu kỳ hàng năm ở mức trung bình 701,2 triệu kWh/ngày, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2018. Công suất cực đại ở mức từ 38.000 - 39.000 MW, tăng từ 13 - 14% so với cùng kỳ năm 2018.
Tại Quảng Ninh, địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh của cả nước, trong đợt nắng nóng vừa qua, nhiệt độ tại đây có nơi lên đến gần 40 độ C. Sản lượng tiêu thụ có những ngày lên tới hơn 16,3 triệu kWh, tăng 0,33% so với sản lượng điện tiêu thụ cao điểm ngày nắng nóng của năm 2018. Tuy nhiên, do chuẩn bị tốt việc đảm bảo cấp điện mùa nắng nóng, lưới điện của Công ty Điện lực Quảng Ninh luôn vận hành ổn định, cung cấp điện an toàn, liên tục.
Ông Nguyễn Hữu Luân, đại diện Điện lực Quảng Ninh cho hay, ngay từ đầu năm 2019, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã lập kế hoạch triển khai các biện pháp đảm bảo cấp điện cho mùa nắng nóng. Đó là lập phương án điều chỉnh phụ tải để giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện; giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện.
Công ty cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát khu vực có phụ tải tăng cao; kiểm tra thường xuyên các trạm biến áp tại các khu vực có khả năng xảy ra quá tải để có biện pháp nâng công suất, đảo hoán máy biến áp, san tải, nâng tiết diện dây dẫn, nâng cấp thiết bị đóng cắt. Các đơn vị trong ngành cũng kiểm tra tình trạng mang tải của các máy biến áp phân phối dự báo khả năng mang tải và lập phương án xử lý sớm...
Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), trước nhu cầu điện tăng cao trên cả nước, trong quá trình vận hành nguồn điện thời gian tới, hệ thống điện vận hành sẽ căng thẳng, cần thiết hệ thống điện phải huy động nguồn nhiệt điện than, khí miền Nam một cách tối đa.
Về năng lượng tái tạo, việc đưa các dự án điện mặt trời vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện, song cũng gặp phải khó khăn do phải bố trí cắt điện đấu nối trong mùa cao điểm nắng nóng. Hệ thống điện cũng phải đối mặt các thách thức với tỷ trọng năng lượng tái tạo đưa vào vận hành tăng cao (tính bất định, chất lượng điện năng, quá tải…).
Đối với thủy điện, nhiều hồ thủy điện hiện không có khả năng đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du đến cuối mùa khô như Đăk My 4A, Đồng Nai 3, Thác Mơ, Hàm Thuận…
Mặc dù kế hoạch điều tiết sử dụng tiết kiệm đã được triển khai ngay từ đầu năm 2019, nhưng do lưu lượng nước về các hồ miền Trung, miền Nam rất thấp, với sản lượng thủy điện tích trong hồ hiện chỉ khoảng 1,3 tỷ kWh, tương đương tổng phụ tải toàn quốc trong 2 ngày làm việc.
Để đáp ứng nhu cầu phụ tải, ông Vũ Xuân Khu cho biết, EVN dự kiến sản lượng điện bình quân toàn hệ thống trong tháng 6/2019 ở mức 701 triệu kWh/ngày; công suất phụ tải lớn nhất khoảng 39.040 MW. Mục tiêu vận hành hệ thống điện là đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc - Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam.
Đồng thời, EVN tiếp tục huy động cao các nguồn nhiệt điện than, tuabin khí; khai thác các hồ thủy điện theo nước về, đảm bảo yêu cầu cấp nước cho hạ du các địa phương. Các tổ máy nhiệt điện chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu (than, dầu...), vật tư, thiết bị, nhân lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia.
Giảm áp lực cho hệ thống
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn nhận định, năm 2019 sẽ là năm nắng nóng gay gắt. Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đứng thứ 5 cả nước về số lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, kéo theo nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh ngày một tăng cao. Nếu như năm 2016, điện năng sử dụng trên địa bàn đạt 3,7 tỷ kWh thì đến năm 2018 là 4,3 tỷ kWh, tăng 16,2%.
Dự báo trong năm nay và những năm tiếp theo, nhu cầu sử dụng điện của tỉnh sẽ tăng cao hơn nữa. Vì vậy, điều chỉnh phụ tải điện, sử dụng điện hiệu quả là giải pháp hữu hiệu trong việc giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia nói chung và của tỉnh nói riêng.
Ông Nguyễn Hữu Luân, đại diện Công ty Điện lực Quảng Ninh cho hay, Công ty đã làm việc về vấn đề tham gia điều chỉnh phụ tải với hơn 100 khách hàng lớn trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 92 khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện trên 3 triệu kWh/năm, 20 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ khoảng 1 triệu kWh/năm.
Việc thuyết phục khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, họ đều đã có sự tính toán công suất sử dụng của 1 kWh/đơn vị sản phẩm trước khi ký hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã cùng với từng khách hàng đánh giá chi tiết tiềm năng điều chỉnh phụ tải điện. Từ đó, đề xuất các phương án giúp cải tiến dây chuyền, máy móc, tư vấn cách quản lý vận hành đường dây đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Mặt khác, đơn vị cũng phân tích rõ chủ trương của Chính phủ, những lợi ích khi khách hàng đồng ý tham gia, như: đưa khách hàng vào diện ưu tiên. Trong trường hợp xảy ra sự cố sẽ đảm bảo cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất; hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện, hỗ trợ tư vấn kiểm toán năng lượng...
“Đến nay tất cả khách hàng đều đã ký hợp đồng thỏa thuận tham gia điều chỉnh phụ tải điện với tổng công suất điều chỉnh dự kiến khoảng 32.000 kWh”, ông Luân nói.
Ngoài ra, Công ty Điện lực Quảng Ninh cũng tập trung tuyên truyền đến khách hàng việc sử dụng điện tiết kiệm để giảm chi phí của khách hàng, giảm bớt lượng khí thải tránh gây ô nhiễm môi trường.
Thông qua phương pháp trên, Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng đã vận động được nhiều khách hàng lớn điều chỉnh phụ tải. Tính đến cuối tháng 5/2019, Tổng công ty đã làm việc với các khách hàng có mức sản lượng trên 1 triệu kWh/năm, qua đó, đã ký thỏa thuận với 913 khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải.
Chương trình điều chỉnh phụ tải điện được triển khai nhằm khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia khi có yêu cầu. Từ đó, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải và nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện.
Để đảm bảo cung ứng điện, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo các Tổng Công ty, Công ty Điện lực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h để đối phó, xử lý kịp thời với các tình huống quá tải cục bộ, xử lý kịp thời sự cố, tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, trong thời gian nắng nóng, các Công ty Điện lực sẽ không “cắt điện” để sửa chữa. Đồng thời mong rằng khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả với nhiều biện pháp như: tắt các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng, chỉnh nhiệt độ điều hòa ở 26 độ C trở lên, lưu ý không để tình trạng đèn đường, đèn chiếu sáng công cộng bật khi trời sáng…