“Năm 2013, chúng tôi đã đạt được kết quả trên các mặt hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cao và toàn diện nhất từ trước đến nay”, ông Nguyễn Văn Lý (ảnh), Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã khẳng định với phóng viên báo Tin Tức như vậy.
Thưa ông, năm 2013 là một năm nền kinh tế có rất nhiều khó khăn, vậy NHCSXH đã hoàn thành kế hoạch được giao như thế nào?
Năm 2013 có nhiều khó khăn chung của nền kinh tế nhưng NHCSXH đã đảm bảo tăng trưởng tín dụng 7%, đạt 100% kế hoạch. Đây là một điều rất đáng mừng vì dư nợ tăng gần 8.000 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, chúng tôi thu nợ tốt để quay vòng vốn, có thêm nguồn vốn để cho đối tượng chính sách vay. Số tiền thu nợ được gần 27.000 tỷ đồng. Như vậy, trong doanh số cho vay 34.000 tỷ đồng thì trên 70% là nguồn thu nợ để quay vòng vốn. Đặc biệt, chương trình tín dụng học sinh sinh viên (HSSV) năm nay thu nợ rất tốt. Kế hoạch dự kiến là thu hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng kết thúc năm chúng tôi thu gần 7.000 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ còn 0,5%. Chương trình tín dụng HSSV cho vay ra khoảng 5.500 tỷ đồng nhưng thu nợ được gần 7.000 tỷ đồng. Không những thu hồi được vốn mà còn dôi ra 1.500 tỷ đồng để bố trí cho các chương trình tín dụng khác. Đây được xem là điểm sáng mà xã hội quan tâm về khả năng thu nợ của chương trình tín dụng này.
Thành tựu thứ ba trong năm 2013 là chúng tôi tiếp tục tập trung ưu tiên vốn cho vay hộ nghèo, HSSV, giải quyết việc làm… và đặc biệt là năm nay được Thủ tướng Chính phủ giao thêm cho hộ cận nghèo vay. Sau 8 tháng triển khai đã tăng dư nợ cho hộ cận nghèo hơn 7.000 tỷ đồng, với 390.000 hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn, tương đương 1/4 hộ cận nghèo trong cả nước. Chương trình tín dụng cho hộ cận nghèo được nhân dân và chính quyền các cấp đánh giá rất cao, là giải pháp tích cực để chống tái nghèo, góp phần làm cho kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn khởi sắc hơn.
Một điểm nổi bật nữa là chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố. Nợ quá hạn từ đầu năm là 1,08%, nhưng đến nay chỉ còn 0,79%. Đây là kết quả của một năm tập trung cao độ chấn chỉnh hoạt động tín dụng. Chúng tôi đã củng cố tổ nhóm vay vốn, hội đoàn thể làm ủy thác, nâng cao nhận thức người vay và hiệu quả sử dụng vốn của người vay. Chất lượng tín dụng tốt, dư nợ thấp, thu nợ tốt còn có tác dụng xã hội rất lớn nữa là quay vòng vốn tốt để có nguồn vốn cho thêm nhiều đối tượng chính sách vay vốn trong bối cảnh nguồn vốn ưu đãi không nhiều.
Đặc biệt, việc xã hội hóa hoạt động tín dụng rộng rãi hơn từ khâu đưa vốn về, bình xét cho vay, giúp đỡ nhau sử dụng vốn làm ăn, đốc thúc thu hồi nợ, thu lãi, xử lý thiệt hại do thiên tai kịp thời. Qua việc xã hội hóa này, một lần nữa chính sách tín dụng ưu đãi củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đối với người vay, thông qua hoạt động vay vốn, sinh hoạt tổ nhóm tạo ra gắn kết tình làng nghĩa xóm, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, an ninh chính trị ở nông thôn.
Năm 2013, chúng tôi cũng tiếp tục thành công trong việc củng cố mạng lưới phục vụ của mình. Chất lượng phục vụ của NHCSXH cho người dân tốt hơn. Đặc biệt, nổi bật nhất là giao dịch tại xã. Mọi nhu cầu của người dân như vay vốn, thu nợ, trả nợ, xử lý rủi ro đều được ngân hàng phục vụ ngay tại xã. Các quy trình được rút gọn, chuẩn xác hơn. NHCSXH cũng tập hợp nguyện vọng của nhân dân phản ánh với cấp trên để xử lý các vướng mắc. Có thể nói, mô hình giao dịch tại xã làm cho chính sách gần dân hơn, giảm nhiều chi phí cho người thụ hưởng. Quãng đường đó, đáng lẽ hơn 7 triệu hộ phải đi thì cán bộ NHCSXH đi.
Chúng tôi cũng thành công với chương trình tin học mới, hiện đại hóa ngân hàng. Cốt lõi của chương trình tin học hóa này là phục vụ nhân dân chi tiết hơn, cẩn thận hơn, nhanh hơn và an toàn, hướng tới sự phát triển bền vững để phục vụ đối tượng chính sách và hộ nghèo.
Chúng tôi cũng đã tổng kết 5 năm chương trình tín dụng HSSV và 10 năm hoạt động của NHCSXH. Qua tổng kết, có thể khẳng định rằng, hoạt động của NHCSXH là đúng hướng, hiệu quả, góp phần đắc lực trong an sinh xã hội, trở thành một công cụ chính sách của Chính phủ để thực hiện an sinh xã hội. Về phía NHCSXH, chúng tôi đánh giá phương thức quản lý tín dụng, cách thức phục vụ cho dân đã thành công. Đó là quản lý tín dụng theo phương hướng xã hội hóa. Phục vụ tín dụng ngay tại xã giúp người dân tiếp cận tín dụng chính sách thuận lợi, nâng cao nhận thức của người vay.
Vậy trong năm 2014, NHCSXH có kế hoạch phục vụ các hộ nghèo và đối tượng chính sách thế nào, thưa ông?
Thứ nhất, chúng tôi tiếp tục làm tốt, thực hiện các chương trình tín dụng theo kế hoạch được giao. Năm nay Chính phủ giao tăng trưởng là 6,5%, tương đương với 7.100 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên cho chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường…
Để thực hiện tốt các chương trình tín dụng, chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác huy động vốn và thu nợ đến hạn để tạo nguồn cho vay mới. Dự kiến năm nay chúng tôi thu nợ xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, tạo nguồn vốn cho vay rất lớn. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã, với 4 hội đoàn thể (hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên) làm tốt công tác giao dịch xã. Sắp tới chúng tôi sẽ ban hành quy định mới về giao dịch xã, cán bộ ngân hàng phải quy chuẩn hơn để phục vụ nhân dân tốt hơn. Một số nơi chất lượng tín dụng nợ quá hạn còn cao sẽ tập trung nhân lực để giảm nợ quá hạn như ở khu vực Tây Nam Bộ.
Chúng tôi tiếp tục siết chặt các quy trình nghiệp vụ, mạng lưới, phẩm chất cán bộ để NHCSXH ngày càng hoàn thiện hơn. Trong chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020, chúng tôi đang cụ thể hóa từng năm một để thực hiện tốt chiến lược này. Và tất cả các nhiệm vụ NHCSXH là hướng tới các chương trình tín dụng chính sách phục vụ tốt nhất cho công tác giảm nghèo.
Theo ông, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách hiện nay có gặp khó khăn gì không?
Hiện nay, hoạt động của NHCSXH được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Tôi có thể khẳng định hoạt động ở tầm vĩ mô không có khó khăn gì cả.
Tuy nhiên, để hoạt động tín dụng của NHCSXH nâng được chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người thụ hưởng thì chúng tôi cần tập trung giải quyết một số vấn đề còn tồn tại:
Điều đầu tiên là bất hợp lý về nguồn vốn. Cơ cấu nguồn vốn hiện có trên 70% là vốn cấp ngắn hạn, trong khi cho vay trên 90% trung dài hạn, làm cho cơ cấu nguồn vốn này chưa bền vững. Trong nguồn vốn cũng khoảng 46% là vốn mức lãi suất thấp, còn 54% là vốn huy động với lãi suất cao. Với cơ cấu như vậy thì việc bù lỗ của Chính phủ rất lớn. Chúng tôi cần nâng dần tỷ lệ nguồn vốn lãi suất thấp, giảm dần nguồn vốn lãi suất cao.
Vấn đề nữa là mức cho vay đang bất cập. Mức cho vay hộ nghèo 30 triệu đồng và đã tồn tại 7-8 năm rồi. Nguyện vọng của người vay vốn là đề nghị nâng lên mức từ 50-60 triệu đồng. Chúng tôi sẽ cùng các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ để thay đổi.
Rồi cá biệt có một số địa phương, hội đoàn thể địa phương chưa thực sự vào cuộc trong các khâu của hoạt động tín dụng chính sách. Do đó, chúng tôi cần tăng cường phối hợp để khắc phục.
Bên cạnh đó, trong nông nghiệp nông thôn có những vấn đề vĩ mô chưa xử lý được, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, như: sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, vẫn còn hiện tượng được mùa mất giá…
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Tú (thực hiện)