Đối tác thương mại lớn
Nhận định từ các chuyên gia, nhiều năm qua, quan hệ hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) đã phát triển tốt đẹp. Đáng lưu ý, Hong Kong có thế mạnh là cửa ngõ kết nối về đầu tư, thương mại, tài chính, logistics giữa Trung Quốc với khu vực và thế giới thông qua các sáng kiến "Vành đai, Con đường", "Khu vực Vịnh Lớn Hong Kong - Quảng Châu - Macao". Đây là nhân tố quan trọng sẽ giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng như giữa các nước ASEAN với nền kinh tế Đông Á và thế giới.
Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Thương mại cho biết, Việt Nam và Hong Kong có mối quan hệ hợp tác song phương phát triển trong nhiều năm và trao đổi thương mại liên tục tăng trưởng. Ngoài thị trường tiêu thụ nội địa, Hong Kong còn là một trung tâm thương mại, du lịch và một trung tâm trung chuyển lớn của khu vực nên Hong Kong luôn được coi là một thị trường rất tiềm năng đối với ngành hàng lương thực, thực phẩm của Việt Nam. Do đó, cơ hội hợp tác, kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Hong Kong cũng rất lớn.
Dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều năm qua Hong Kong luôn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam. Riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hong Kong đạt 11,2 tỷ USD, giảm 12,5% so với năm 2022. Đáng lưu ý, Hong Kong là đối tác thương mại lớn thứ 11 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hong Kong đạt 6,6 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hong Kong 6 tỷ USD, tăng 41,7%; nhập khẩu từ thị trường này 563,1 triệu USD, giảm 39,8%.
Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này gồm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; hàng dệt may; đá quý, kim loại quý và sản phẩm, hàng thủy sản… Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hong Kong máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác; phế liệu sắt thép; đá quý, kim loại quý và sản phẩm…
Ông Owin Fung - Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hong Kong (HKETO) khẳng định, Hong Kong luôn là đối tác tiềm năng, đáng tin cậy của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt Nam đang có ý định mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Bởi, Hong Kong không chỉ đem đến một môi trường kinh doanh ổn định mà còn giúp doanh nghiệp Việt mở rộng - kết nối với thị trường tiềm năng khác bao gồm 9 thành phố thuộc Khu vực Vịnh Lớn Hong Kong - Quảng Châu - Macao.
Ngoài ra, Hong Kong cũng đã nới lỏng chính sách thị thực đối với việc tuyển dụng nhân sự Việt Nam cũng như nới lỏng tiêu chí người Việt Nam xin cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần khi kinh doanh và du lịch. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam khám phá tiềm năng thị trường cũng như tận dụng vị thế, các lợi thế trung tâm quốc tế của Hong Kong.
“Việt Nam và Hong Kong hoàn toàn có thể đồng hành cùng nhau để biến những điều không thể thành có thể, tạo bệ phóng nâng quan hệ hợp tác hai bên lên một tầm cao mới", ông Owin Fung khẳng định.
Nhiều dư địa phát triển
Tại buổi làm việc về xúc tiến đầu tư tại tỉnh Nam Định, ông Harley Lei, Chủ tịch Tập đoàn nhôm Kam Kiu, Hong Kong (Trung Quốc) cho hay, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng 12 - 20 ha đất để đầu tư nhà máy sản xuất phụ kiện nhôm cho các thiết bị điện tử, thiết bị thông minh (điện thoại, màn hình máy tính, loa, đồng hồ) và phụ tùng ô tô với tổng mức đầu tư dự kiến 100 triệu USD.
Tập đoàn đã tìm hiểu kỹ tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam và thống nhất quyết định đến tháng 5/2025 sẽ hoàn tất đầu tư và đưa vào vận hành, sản xuất nhà máy này. Do vậy, Tập đoàn mong muốn các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ thực hiện thuận lợi các phần việc liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng.
Ông Harley Lei đề xuất tỉnh chú trọng hỗ trợ Tập đoàn về cung ứng các dịch vụ phụ trợ để bảo đảm vận hành sản xuất gồm điện, khí tự nhiên LNG, nước sạch, xử lý nước thải... Đặc biệt, các sản phẩm do Tập đoàn sản xuất và các đối tác sử dụng sản phẩm này đòi hỏi quy trình sản xuất chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Vì vậy, toàn bộ dự án đầu tư tại Nam Định sẽ được Tập đoàn sử dụng hệ thống thiết bị mới, công nghệ hiện đại của nhóm G7 (nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới).
Đại diện tỉnh Nam Định khẳng định, việc Tập đoàn nhôm Kam Kiu quyết định lựa chọn Nam Định để đầu tư dự án đầu tiên tại nước ngoài với hệ thống công nghệ cao, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường, tỉnh sẽ giao ngành chức năng liên quan hỗ trợ Tập đoàn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc liên quan trong đầu tư dự án tại Nam Định để nhà đầu tư có thể đưa nhà máy vào hoạt động tháng 5/2025 theo tiến độ đề xuất.
Nhằm khai thác tối đa cơ hội hợp tác, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia thương mại cho rằng Việt Nam và Hong Kong cần tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, giới thiệu chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư kinh doanh; tăng cường hợp tác, điều phối các hoạt động logistics trong khu vực và thế giới. Cùng đó, hợp tác tài chính và hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chương trình hợp tác khu vực về xây dựng – nâng cao năng lực, cung cấp - chia sẻ thông tin thị trường và chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Khuyến nghị doanh nghiệp khi đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hong Kong, Bộ Công Thương nhấn mạnh, do cơ cấu đặc trưng của nền kinh tế, Hong Kong nhập khẩu đến 90% sản phẩm dành cho tiêu dùng nội địa. Đây là thị trường tiềm năng cho hàng hóa của các nước xuất khẩu nói chung và hàng hóa Việt Nam nói riêng, đặc biệt đối với những hàng hóa chất lượng cao.
Nhiều mặt hàng gia dụng của Việt Nam như mây tre lá, gốm sứ, gạo... được ưa chuộng tại Hong Kong nên doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua việc tích cực tham dự hội chợ, triển lãm tại Hong Kong để tiếp cận thị trường này. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, đây là thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như thị hiếu tiêu dùng sản phẩm có thương hiệu, bao bì và mẫu mã sản phẩm phong phú, đòi hỏi doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này cần nắm bắt đầy đủ thông tin liên quan, nỗ lực đáp ứng yêu cầu theo thị hiếu tiêu dùng của thị trường.