Trạm sạc xe điện Vinfast. Ảnh: TTXVN
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2024, tổng doanh số ô tô điện tại Việt Nam đạt gần 90.000 xe, gấp 2,5 lần so với năm 2023 và gấp hơn 11,2 lần so với năm 2022. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu ô tô điện, con số này có thể tăng lên 3,5 triệu vào năm 2040.
Với tốc độ phát triển này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) khuyến nghị Việt Nam cần từ 100.000 - 350.000 trạm sạc trong vòng 15 năm tới, tương đương với tỷ lệ 10 xe điện/trạm sạc.
Trong khi đó, ngoài VINFAST đang phát triển hệ thống trạm sạc toàn quốc, các hãng xe điện khác khi vào thị trường Việt Nam vẫn gặp khó khăn. Thậm chí, trong 1 - 2 năm trở lại đây, Việt Nam ghi nhận sự xâm nhập thị trường đối với các dòng xe điện của Trung Quốc nhưng những dòng xe này đều xin rút vì “thua” về trạm sạc tại Việt Nam.
Anh Nguyễn Minh Bình ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, số lượng trạm sạc khiêm tốn, chủ yếu rải rác ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ít có ở các trạm dừng nghỉ, đường cao tốc hay các tỉnh lẻ. “Những bất tiện trong quá trình sử dụng làm giảm nhu cầu sử dụng xe điện của người tiêu dùng, khiến họ e dè với các thương hiệu xe điện ngoại quốc và cũng ngại đổi sang dùng xe điện”, anh Bình chia sẻ.
Theo chuyên gia xe Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Whatcar Việt Nam, Quản trị viên Cộng đồng OTO+, hạ tầng sạc là vấn đề “con gà và quả trứng”. Đầu tư trạm sạc gắn liền với nhu cầu sử dụng của người dân. Khi nhu cầu xe điện tăng cao, việc các doanh nghiệp đầu tư trạm sạc là tất yếu. Ngược lại, nếu không nhìn thấy nhu cầu của người cần sạc, doanh nghiệp sẽ không đầu tư vào trạm sạc.
“Lúc này, câu chuyện “con gà và quả trứng” là nếu không có trạm sạc, doanh nghiệp không bán được xe là điều đương nhiên”, Giám đốc Whatcar Việt Nam nói đồng thời đặt vấn đề: Khi nhu cầu xe tăng cao, không thể nào các doanh nghiệp nói không với việc đầu tư trạm sạc được.
Ngoài ra, Giám đốc Whatcar Việt Nam cho rằng câu chuyện chuyển đổi xe điện còn nằm ở vấn đề thay đổi tư duy từ chính người tiêu dùng khi họ mặc định việc đi xe xăng thuận tiện hơn, chỉ cần đổ xăng là có thể đi mọi nơi. Trong khi đó, với xe điện đi xa lại cần phải có lộ trình, đi đâu có trạm sạc và đi bao lâu cần phải sạc.
Theo các chuyên gia, một vấn đề khác về hạ tầng trạm sạc xe điện là thiếu quy chuẩn cụ thể đối về vị trí, địa điểm xây dựng, tiêu chuẩn nguồn sạc, những quy định kỹ thuật về an toàn điện, an toàn phòng cháy chữa cháy… Vì vậy, tình trạng phát triển trụ, trạm sạc không đồng bộ là điều khó tránh khỏi. Các doanh nghiệp cũng không thể làm gì ngoài “mạnh ai nấy làm” và như phải áp dụng các mức giá điện theo chính sách riêng.
Dưới góc độ của Bộ Nông Nghiệp và Môi trường, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý phát thải Khí nhà kính, Cục Biến đổi khí hậu cho hay, bất cập trong hạ tầng trạm sạc không chỉ dừng ở những hạn chế về số lượng trạm sạc điện và quy chuẩn xây dựng. Việc xây dựng trạm sạc là để tạo điều kiện cho người dân sử dụng nhưng cũng cần quan tâm, tính toán đến bài toán điện ở đâu để sử dụng, điện sử dụng là điện gì, ai truyền điện tới những nơi có trạm sạc…
Để giải quyết bài toán này, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, pháp luật cần quy định cụ thể về nguồn điện, tiêu chuẩn sạc để các doanh nghiệp có thể nghiên cứu và đầu tư. Hiện việc cung cấp nguồn điện, hệ thống đặt nguồn điện trên các trục cao tốc đang làm tốt nhưng việc đặt nguồn điện trong nội độ cũng là vấn đề.
“Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ không chỉ cho xe điện mà còn cho cả hệ thống sạc, bao gồm nghiên cứu, sản xuất, hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp có thể đầu tư, hoàn thiện hệ thống sạc”, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đề nghị.
Đối với quy chuẩn trạm sạc xe điện, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trụ sạc xe điện.
“Chúng tôi đang cùng các đơn vị liên quan quy hoạch tiêu chuẩn và xây dựng hệ thống trạm sạc điện tại các trạm dừng nghỉ cao tốc, bến xe và các khu đô thị, mục đích tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng”, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng cho biết thêm.
Về phía các doanh nghiệp, theo Giám đốc Whatcar Việt Nam đề xuất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như cho vay tài chính với mức ân hạn lãi suất tốt... nhằm chia sẻ rủi ro đầu tư để khuyến khích đầu tư trạm sạc.
Hiện nay, những vướng mắc về hạ tầng trạm sạc là nguyên nhân lớn gây cản trở cho sự phát triển của xe điện tại Việt Nam. Vậy nên không chỉ riêng các cơ quan quản lý Nhà nước cần có trách nhiệm trong hoàn thiện hạ tầng trạm sạc xe điện, các nhà sản xuất xe cũng cần nghiên cứu và cải tiến công nghệ để việc sạc xe điện trở nên đơn giản, thuận tiện và đồng bộ giữa các khu vực. Từ đó "mở khoá" hạ tầng trạm sạc, đưa phương tiện giao thông xanh thay thế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hoá thạch, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26.