'Mít không hạt Ba Láng' giá tiền triệu vẫn cháy hàng

Người dân Cần Thơ từ xưa đã truyền câu: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Anh có thương em thì cho bạc cho tiền. Đừng cho lúa gạo tía má phiền nha anh”.

Câu ca ấy thể hiện niềm tự hào của người dân hai địa danh nổi tiếng nhất Cần Thơ về sự trù phú nông sản, cây ngọt trái lành, là Vàm Xáng (huyện Phong Điền) và Ba Láng (quận Cái Răng). Sự trù phú ấy không chỉ nhờ thiên nhiên ưu đãi về đất giàu phù sa, khí hậu ôn hòa mà còn bởi tính hay lam, hay làm của người dân địa phương nơi đây. Lão nông Trần Minh Mẫn (tên gọi thân mật là Út Mẫn) là một trong những điển hình tiêu biểu bởi có nhiều đóng góp tạo nên thương hiệu “Mít không hạt Ba Láng”.

Cây mít không hạt ba láng

“Mít không hạt Ba Láng” của lão nông Trần Minh Mẫn, phường Ba Láng, quận Cái Răng, Cần Thơ được người dân nơi đây coi là giống mít lạ bởi trái mít này có thể nặng hơn 20 kg; giá bán tới 50.000 đồng/kg. Với giá này, khách hàng phải trả hơn triệu đồng với một trái mít nhưng vẫn đông khách.


Lão nông Trần Minh Mẫn năm nay gần bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng 10 năm nay vẫn chăm chỉ với công việc vun tưới vườn mít. Năm 2007, sau nhiều năm thử nghiệm với nhiều loại cây ăn trái khác nhau như: cam sành, sầu riêng... nhưng hiệu quả kinh tế không cao; ông Mẫn lặn lội khắp nơi học hỏi công nghệ trồng trọt mới cũng như giống cây năng suất hơn. Một người bạn biết ông mê trồng trọt giới thiệu giống mít Myanmar trong vườn nhà và biếu một quả mang về làm quà. Mít chín toả mùi thơm nhẹ, khi bổ ra nhựa không dính dao; múi và xơ mít đều ngọt, lại không có hạt.


Nhận thấy đây là loại mít đặc biệt, lão nông Trần Minh Mẫn quay trở lại Tiền Giang xin bạn chiết nhánh mang về trồng. Hiện ông trở thành chủ vườn mít với gần 100 cây mít không hạt với năng suất đạt tới 100 kg quả/cây/vụ.


Chia sẻ về vườn mít của mình, ông Mẫn cho biết, việc phát triển giống mít này giúp đời sống kinh tế của gia đình ổn định. Bởi đây là loại cây sinh trưởng mạnh, dễ trồng và ít tốn công chăm sóc cũng như chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Mít dễ bán, được thị trường ưa chuộng nên thu nhập cao và ổn định. Nếu như các loại mít truyền thống giá chỉ vào khoảng 10.000 đồng/kg thì giá loại mít này tới 50.000 đồng/kg tại vườn. Như vậy, bình quân một vụ ông thu nhập 500 triệu đồng từ tiền bán mít thành phẩm.


Mít không hạt khi bổ quả ra rất ít xơ.

Đem thắc mắc về tên gọi Mít Ba Láng được ông Mẫn giải thích: Giống mít này đã chọn Ba Láng làm vùng đất sinh sống, năng suất lại đạt cao nên đã chọn địa danh làm “thương hiệu” cho giống mít này. Ông ấp ủ nhân rộng mô hình trồng mít không hạt tới toàn khu vực Ba Láng tạo điều kiện giúp người nông dân có thu nhập ổn định.


Từ năm 2010, ngoài cung cấp mít thành phẩm, ông Út Mẫn tập trung ghép mắt làm cây giống cung cấp cho các hộ xung quanh để nhân rộng giống mít quý. Ban đầu chỉ ở khu vực Ba Láng nhưng hiện cây giống xuất bán khắp các tỉnh thành trong cả nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài với giá bán 35.000 đồng/cây. Mỗi năm ông cung cấp khoảng 40.000 cây giống, thu nhập 1,4 tỷ đồng.


Không chỉ cung cấp cây giống, ông tận tình hướng dẫn các nông hộ phương thức chăm sóc cây đồng thời sẵn sàng bao tiêu sản phẩm với các hộ có nhu cầu.


Ông Út Mẫn nhấn mạnh, loại mít này dù dễ trồng; ít sâu bệnh nhưng để đảm bảo chất lượng, người trồng cần chú ý kỹ thuật chăm sóc và bón phân có sự khác biệt so với các loại mít khác. Mít không hạt chỉ chuộng phân xanh và phân chuồng. Cây trên một năm tuổi mới bắt đầu được bón phân hóa học, chia nhỏ làm nhiều lần trong năm.


Công đoạn làm đất tơi xốp trước khi trồng rất quan trọng vì đây là giống không ưa ngập úng. Sau khi đào hố trồng cây cần phải bón lót trước khi trồng với hỗn hợp vôi bột - phân chuồng đã qua xử lý - Lân - chế phẩm Nolatri. Khoảng cách giữa các cây khoảng từ 6 - 7 mét. Cây giống không được trồng quá sâu bởi sẽ làm bộ rễ dễ bị sâu bệnh. Lần đầu tưới cần tưới đẫm bầu, sau đó cách từ 5 - 7 ngày mới tưới lại 1 lần.


Mít giống sau thời gian trồng khoảng 1 năm sẽ bắt đầu cho quả bói. Thời điểm này chủ vườn tiến hành tỉa cành, tỉa ngọn để khống chế chiều cao cây không quá 5m và cắt bớt quả, để cây tập trung nuôi những quả khỏe mạnh. Từ năm thứ 4 trở đi, tùy khả năng của từng cây mà quyết định số lượng quả trên cây nhiều hay ít.

Ngoài ra, ông Út Mẫn lưu ý người trồng cách thức sử dụng thuốc trừ sâu và nấm. Loại mít không hạt Ba Láng rất ít khi bị bệnh nên người trồng tránh lạm dụng thuốc hóa học, vừa hại sức khỏe lại tốn chi phí. Trường hợp bắt buộc phải dùng vì cây bị sâu, bệnh phải tuân thủ đúng quy trình phun xịt và thời gian cách ly đã được các nhà khoa học khuyến cáo.


Công lao gây dựng và nhân rộng loại mít quý về vùng đất Cần Thơ của lão nông Trần Minh Mẫn đã được địa phương và trung ương ghi nhận. Đánh giá về mô hình “Mít không hạt Ba Láng”, bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ cho biết: “Mít không hạt Ba Láng” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Cùng với đó là nhiều bằng khen từ các cấp cũng như giải thưởng cây trái hiếm độc lạ tại nhiều cuộc thi về cây trồng khắp cả nước. Hiện “Mít không hạt Ba Láng” là 1 trong 14 mô hình điển hình của Cần Thơ được đề nghị xét tặng Huy chương vàng “Khoa học nông nghiệp sáng tạo năm 2017” .

Ánh Tuyết
Mít, dừa khô miền Tây được giá
Mít, dừa khô miền Tây được giá

Nhiều tháng nay, nhà vườn trồng dừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh rất phấn khởi do giá dừa khô luôn ổn định ở mức cao, bình quân từ 85.000 - 90.000 đồng/chục (12 trái); tăng gần gấp đôi so với 6 tháng trước. Có thời điểm giá dừa khô lên đến 110.000 đồng/chục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN