Huyện miền núi Sông Hinh, vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa (Nhà máy đường Tuy Hòa) với diện tích hơn 5.000 ha. Từ đầu niên vụ 2018 - 2019, nhiều nông dân ký hợp đồng bao tiêu cây mía với nhà máy nhưng hiện nhà máy chưa hoạt động khiến lượng mía chưa thể tiêu thụ; trong khi đó, nhiều diện tích cháy lá, đốm vàng.
Gia đình anh Y Lu, buôn Chung, xã Ea Bar trồng 2 ha nhưng toàn bộ ruộng mía bị bệnh đốm vàng, khô lá. Anh lo lắng vì cây mía vốn là nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng nay bị bệnh, chưa thể thu hoạch.
Tương tự, toàn bộ 2,4 ha mía của gia đình anh Cao Xuân Bình, khu phố 8, thị trấn Hai Riêng bị vàng, khô lá, nguy cơ trắng tay nếu nhà máy không thu mua mía kịp thời.
Anh Cao Xuân Bình chia sẻ, lá mía tự nhiên dần vàng úa. Trường hợp tiếp tục như vậy, mía sẽ khô, chữ đường thấp; nếu vậy chỉ còn cách đốt, không ai mua. Hiện nông dân chỉ mong nhà máy có kế hoạch ép và thu mua mía.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh, bệnh đốm vàng, khô lá mía xuất hiện trên địa bàn từ cuối năm 2017 với diện tích khoảng 30 ha nhưng đến nay bệnh lan rộng ra hơn 215 ha. Mía nhiễm bệnh nhẹ sẽ làm giảm sản lượng và chữ đường 20 - 40%. Hầu hết, diện tích mía phát bệnh ở chu kỳ sinh trưởng cuối chuẩn bị thu hoạch nên phun thuốc phòng trừ là không thể.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh cho biết, khó ngăn diện tích mía bị nhiễm bệnh bởi cây mía đã lớn, chuẩn bị đến ngày thu hoạch. Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh làm việc với Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa và đề nghị khẩn trương cho thu hoạch sớm diện tích bị bệnh, tránh ảnh hưởng năng suất, chữ đường. Kết thúc niên vụ, các đơn vị chuyên môn sẽ hướng dẫn người dân cách phòng trị bệnh.
Ngoài diện tích mía ở huyện Sông Hinh bị nhiễm bệnh, tại các xã miền núi như An Lĩnh và An Xuân thuộc huyện Tuy An xuất hiện bệnh vàng lá mía với diện tích hơn 315 ha. Những diện tích mía này đang vào kỳ vươn lóng (đốt mía) vớỉ tỷ lệ lá mía bị bệnh đốm vàng từ 65% trở lên.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên phối hợp với các địa phương xác định nguyên nhân gây bệnh, diện tích cây mía bị nhiễm bệnh, có biện pháp giảm thiệt hại cho nông dân.