'Mặt trận' tiếp theo của Mỹ-Trung là thị trường chứng khoán

Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng lên mốc mới trong những tuần gần đây và lan sang một mặt trận khác là thị trường chứng khoán.

Chú thích ảnh
Tòa nhà của Sàn giao dịch chứng khoán New York treo biểu tượng công ty Alibaba năm 2014. Ảnh: AFP  

Khi COVID-19 bùng nổ, mối quan hệ Mỹ -Trung thêm phần chia rẽ với việc hai nước đổ trách nhiệm lên nhau về nguồn gốc và phạm vi thực sự của dịch bệnh này. Kênh CNBC (Mỹ) cho biết Tổng thống Donald Trump thậm chí còn cảnh cáo áp đặt thuế bổ sung lên Trung Quốc trong tháng 5.

Thượng viện Mỹ ngày 20/5 đã thông qua dự luật có thể hạn chế các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ hoặc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư Mỹ, trừ trường hợp những công ty này chấp hành quy định và tiêu chuẩn của Washington.

Mặc dù dự luật có thể áp dụng đối với bất cứ công ty nước ngoài nào muốn tiếp cận nguồn vốn của Mỹ nhưng các nhà lập pháp cho biết động thái này nhắm đến Trung Quốc. Tin tức này khiến cổ phiếu của tập đoàn Trung Quốc Alibaba tại Mỹ giảm hơn 2%.

Nhiều nhà phân tích cho rằng vấn đề trên sẽ tiếp tục gây tranh cãi khi căng thẳng Mỹ-Trung Quốc là tâm điểm chú ý trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ trong tháng 11 tới.

Các nhà phân tích từ ngân hàng đầu tư China Renaissance ngày 21/5 nhận định: “Trong vài tháng qua, chính khách Trung Quốc đề xuất loại tên các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ với các tiêu chí khác nhau và hạn chế số tiền Mỹ thất thoát vào thị trường Trung Quốc”.

Các nhà phân tích cho rằng vấn đề này sẽ nằm trong những chủ đề hàng đầu của bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy, người bảo trợ dự luật hạn chế công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, đã yêu cầu các công ty chứng thực rằng họ không bị “chính phủ nước ngoài sở hữu và kiểm soát”.

Theo ngân hàng China Renaissance, Mỹ có thể hạn chế rủi ro của doanh nghiệp nước này đối với thị trường Trung Quốc qua quỹ hưu trí chính phủ và áp đặt hạn chế lên các công ty Trung Quốc. Áp lực này có thể khiến các công ty Trung Quốc chuyển đến nơi khác.

Một trong những cái tên được lựa chọn là Hong Kong (Trung Quốc). Trong tuần này, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong đã thay đổi mở đường cho các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc mở rộng hiện diện giao dịch tại châu Á. Chỉ số Hang Seng lần đầu tiên cho phép các công ty niêm yết chính ở nơi khác, hoặc có cổ phiếu hai tầng, được niêm yết.

Ngân hàng Morgan Stanley vào ngày 25/5 nhận định sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc tận dụng lợi thế này để để niêm yết lần hai tại Hong Kong. Trong đó có những cái tên như JD.com và Trip.com. Morgan Stanley dự đoán xu hướng này sẽ được duy trì.

Dựa trên dữ liệu của ngân hàng Chinese Renaissance, có 36 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đáp ứng tiêu chuẩn để niêm yết lần hai tại Hong Kong.Vùng lãnh thổ này sẽ được hưởng lợi bởi có thêm nhiều tiền chảy vào thị trường.

Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, điều này đồng nghĩa với việc họ mất ưu thế danh tiếng được niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ.

Hà Linh/Báo Tin tức
Kinh tế toàn cầu sẽ khó khăn nếu nối lại thương chiến Mỹ-Trung
Kinh tế toàn cầu sẽ khó khăn nếu nối lại thương chiến Mỹ-Trung

Màn khẩu chiến liên quan đại dịch COVID-19 đã khiến quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trở lại, đe dọa phá vỡ giai đoạn đình chiến mong manh trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN