Theo kênh CNN (Mỹ), đại dịch đã khiến kinh tế toàn cầu mong manh hơn nhiều so với trước khi Mỹ và Trung Quốc bắt đầu chiến tranh thương mại cách đây hai năm. Cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể chịu nổi thiệt hại nếu thương chiến toàn diện lại bùng nổ.
Đại dịch đã khiến hai nền kinh tế suy giảm sâu nhất trong nhiều chục năm qua, cuốn bay hàng chục triệu việc làm. Dù Trung Quốc tuyên bố đã qua giai đoạn tồi tệ nhất nhưng thế giới vẫn còn lâu mới hết dịch bệnh.
Tình hình hiện nay khiến lời cảnh báo áp thêm thuế với hàng Trung Quốc mà Tổng thống Donald Trump đưa ra cộng với ý định đáp trả của Trung Quốc càng đáng lo ngại hơn.
Điều khoản bất khả thi
Ngay cả trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, giai đoạn “ngừng bắn” trong thương chiến giữa hai nước cũng đã rất mong manh.
Thỏa thuận giai đoạn một mà hai nước đạt được hồi tháng 1 chỉ giảm một số loại thuế mà hai bên áp lên hàng hóa của nhau, giúp Bắc Kinh tránh bị áp thêm thuế với số hàng hóa trị giá gần 160 tỷ USD. Trung Quốc cũng cam kết mua hàng hóa, dịch vụ Mỹ trị giá 200 tỷ USD trong năm nay và năm sau.
Khi nền kinh tế chưa suy giảm do đại dịch, những điều khoản trong thỏa thuận đã bị coi là khó thực hiện. 200 tỷ USD là con số cao hơn giá trị hàng hóa mà Trung Quốc nhập hàng năm từ Mỹ trước khi có thương chiến. Các nhà phân tích coi thỏa thuận giai đoạn một là thách thức lớn, trừ khi Trung Quốc phải chấp nhận hy sinh.
Ông David Dollar, thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton thuộc Viện Brookings, nhận định: “Mục tiêu mua hàng hóa trong thỏa thuận giai đoạn một lúc nào cũng phi thực tế và giờ thì bất khả thi”.
Theo các nhà kinh tế, Trung Quốc sẽ phải tăng nhập khẩu hơn 6% mỗi tháng trong hai năm để tuân thủ điều khoản thỏa thuận. Thay vào đó, trong tình hình dịch bệnh, hàng nhập khẩu từ Mỹ lại giảm 6% trong bốn tháng đầu năm 2020.
Ông Alex Capri, học giả thương mại thuộc khoa kinh doanh trường Đại học Quốc gia Singapore, nói: “Khi nhu cầu tiêu dùng giảm ở Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không thể cam kết mua nhiều hơn hàng Mỹ. Nếu họ cam kết, họ sẽ thất hứa sau này vì thiếu nhu cầu”.
Tổng thống Trump không có thêm hai năm nữa để xem Trung Quốc có tôn trọng thỏa thuận hay không. Ông phải vượt qua cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Thế khó của Trung Quốc
Các chuyên gia vẫn cho rằng quan chức thương mại và kinh tế Bắc Kinh muốn thỏa thuận giai đoạn một diễn ra tốt đẹp. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã nói với các quan chức thương mại Mỹ về thiết lập môi trường có lợi để thực hiện thỏa thuận. Ngày 19/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cảm ơn tập đoàn Honeywell của Mỹ vì mở văn phòng ở Vũ Hán, tâm dịch COVID-19 ban đầu, đồng thời nói thêm rằng ông hoan nghênh doanh nghiệp toàn cầu tới Trung Quốc.
Tuy nhiên, thách thức của Bắc Kinh không chỉ là vấn đề tôn trọng các cam kết bất khả thi. Bản thân đại dịch và người cần chịu trách nhiệm khi dịch lan ra toàn cầu là hai yếu tố khiến tâm lý chống Mỹ ở Trung Quốc càng gia tăng, khiến cho lãnh đạo Trung Quốc khó mà nhún trước đòi hỏi của Mỹ. Ông Marshall Meyer, giáo sư danh dự ngành quản lý tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nhận định: “Chắc chắn có rạn nứt nội bộ về chính sách thương mại ở Trung Quốc”.
Đầu tháng này, Tổng thống Trump ám chỉ rằng Mỹ có thể áp thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc để trừng phạt vì đại dịch. Ông Trump luôn cho rằng virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán dù không đưa ra bằng chứng.
Chính quyền Mỹ cũng tiếp tục hạn chế tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei làm ăn với công ty Mỹ. Ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết muốn ngăn Huawei sản xuất và mua chip bán dẫn sử dụng công nghệ, phần mềm Mỹ.
Về phía Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng Bắc Kinh có thể sớm trả đũa Washington và quyết định ngăn cản hoạt động của Huawei. Trích dẫn một nguồn giấu tên, tờ báo này cho biết các công ty Mỹ như Apple, Qualcomm, Cisco và Boeing có thể bị hạn chế kinh doanh ở Trung Quốc.
Theo ông Malcolm McNeil, thành viên công ty luật và vận động hành lang Arent Fox, cho dù Bắc Kinh chọn lựa đi tiếp thế nào thì giới chức nước này cần phải xử lý vấn đề thương mại một cách khéo léo. Ông nói: “COVID-19 đã trở thành hiện tượng toàn cầu và Trung Quốc trở thành tâm điểm tiêu cực về cách xử lý dịch ban đầu”. Ông cũng nói thêm rằng nếu Trung Quốc không thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ, quan điểm toàn cầu về Trung Quốc càng xấu hơn.
Đe dọa quá trình hồi phục kinh tế
Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, tranh cãi Mỹ-Trung có thể biến thành xung đột gây thiệt hại nặng nề, không chỉ làm thế giới khó phục hồi sau dịch COVID-19 mà còn có rủi ro làm giảm tốc các sáng kiến công nghệ quan trọng.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm 3% trong năm nay, mức giảm sâu nhất từ thời Đại Suy thoái. Quá trình phục hồi có thể sẽ mất nhiều năm trời.
Tổng giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva hồi đầu tháng đã nhắc lại mối nguy hiểm của cuộc chiến tranh thương mại: “Điều vô cùng quan trọng với chúng ta là phải phản kháng lại thứ có thể là xu hướng tự nhiên: co lại sau biên giới”.
Ngay cả trước đại dịch, các nhà kinh tế và chuyên gia đã cảnh báo rằng mối quan hệ tồi tệ hơn giữa Trung Quốc và Mỹ có thể bóp nghẹt quá trình phát triển của trí tuệ nhân tạo và mạng lưới di động siêu nhanh 5G. Cựu Chủ tịch Ngân hàng Liên bang Mỹ Janet Yellen từng nhận định rằng mất khả năng hợp tác trong các tiến bộ công nghệ sẽ là điều xấu với thế giới.
Một cuộc chiến tranh thương mại nữa cũng sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp và nông dân Mỹ đã chi 3,9 tỷ USD tiền thuế chỉ trong tháng 3, phần lớn là do chiến tranh thương mại.
Ông Johnathan Gold, phát ngôn viên tổ chức Người Mỹ vì Thương mại Tự do, nói: “COVID-19 đã tàn phá chưa từng có tiền lệ với doanh nghiệp và nông dân Mỹ. Thuế quan là điều mà bất kỳ công ty nào cũng phải lo lắng trong giai đoạn dịch bệnh này”.