Cắt diện tích để quản lý tốt hơn?
Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ xác nhận đang tiến hành rà soát thực trạng việc giao khoán rừng cho người dân quản lý, bảo vệ. Theo đó, trong năm 2018, đơn vị giao khoán cho 311 hộ dân địa phương với tổng diện tích hơn 3.800ha. Dự kiến, tới đây diện tích rừng giao khoán sẽ cắt giảm xuống còn hơn 1.300ha với chỉ khoảng 100 hộ dân được nhận. Phần còn lại chuyển sang quản lý, bảo vệ tập trung. Như vậy, dự kiến diện tích rừng giao khoán cho dân trong các năm tới đây sẽ chỉ bằng 1/3 so với các năm trước.
Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ đang xây dựng phương án trình đơn vị chủ quản là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông phê duyệt.
Giải thích về sự điều chỉnh này, ông Khương cho rằng, việc giao khoán rừng cho người dân quản lý, bảo vệ thời gian qua tồn tại nhiều điểm chưa hợp lý, chưa phát huy được tinh thần trách nhiệm cũng như tính ràng buộc đối với các hộ dân. Điển hình nhất là các hộ dân nhận quản lý, bảo vệ rừng nhưng ít thực hiện việc tuần tra, kiểm tra, có hộ chỉ thực hiện việc này 2 – 3 lần mỗi tháng. Thêm nữa, một số hộ dân nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng của nhiều đơn vị khác nhau.
“Việc nhận giao khoán rừng với diện tích lớn, thậm chí tại nhiều đơn vị khác nhau khiến bà con không đủ khả năng để thực hiện quản lý, bảo vệ hiệu quả. Nhiều vụ phá rừng để khai thác lâm sản trái phép, hoặc lấn chiếm đất lâm nghiệp đã không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời” – ông Khương khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, các văn bản pháp luật liên quan cũng quy định rõ việc các hộ nhận giao khoán tại nhiều nơi khác nhau là không đúng quy định. Thêm nữa, trách nhiệm của đơn vị chủ rừng khi xảy ra mất rừng là rất lớn nhưng việc truy trách nhiệm của các hộ nhận khoán là rất khó khăn. Do đó, đơn vị cắt giảm diện tích giao khoán cho dân và thành lập lực lượng quản lý bảo vệ rừng tập trung (khoảng 25 thành viên, dự kiến tuyển nhân lực tại chỗ) để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.
“Việc quản lý, bảo vệ rừng được quy định rất nghiệm ngặt. Mới đây nhất là lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ (tháng 6/2016) và Quyết định 44 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông (tháng 12/2016) quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của chủ rừng. Chúng tôi buộc phải siết việc giao khoán để đảm bảo quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn”, ông Khương giải thích về kế hoạch cắt giảm việc giao khoán rừng.
Thêm nữa, theo kế hoạch đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt, dự kiến đến năm 2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ phải đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên. Do đó, đơn vị cần cân đối nguồn thu – chi để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Cần xử lý hài hòa
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, ông K Bốt, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức khẳng định quan điểm của huyện là cần ưu tiên giao khoán rừng cho người dân quản lý, bảo vệ, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, các hộ gia đình người Kinh thuộc diện nghèo, cận nghèo.
“Chúng tôi ủng hộ điều chỉnh việc giao khoán cho đúng các quy định pháp luật và lẽ ra việc này cần được làm sớm hơn. Chẳng hạn như các hộ đã nhận giao khoán rừng cộng đồng (do Ủy ban Nhân dân xã Quảng Trực quản lý), hoặc rừng của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) thì cần cắt hợp đồng hoặc yêu cầu ký cam kết chỉ nhận giao khoán với một đơn vị. Nhưng quan điểm nhất quán là phải tạo điều kiện cho người dân tại chỗ được nhận giao khoán để họ có điều kiện ổn định cuộc sống, đảm bảo vấn đề an ninh, trật tự vùng biên giới”, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức nhấn mạnh.
Ông Phạm Xuân Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Trực thì cho rằng, nhìn chung bà con nhận giao khoán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ cơ bản hoàn thành nghĩa vụ quản lý, bảo vệ. Số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng xảy ra nhưng không nhiều. Ủy ban Nhân dân xã Quảng Trực đề nghị các bên phải tổ chức họp bàn cụ thể, rõ ràng. Hai nội dung trọng tâm mà Ủy ban Nhân dân xã Quảng Trực đề nghị là Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ cần ưu tiên giao khoán rừng cho bà con để họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, đồng thời chuẩn hóa các quy định giao khoán rõ ràng hơn.
Ông Điểu Long, ngụ bon Bu Krắk, xã Quảng Trực, tổ trưởng một tổ giao khoán cho biết bản thân ông cũng như bà con trong tổ rất hoang mang trước thông tin bị cắt giao khoán rừng. Ông Điểu Long khẳng định, hợp đồng giao khoán của tổ với Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có hiệu lực đến năm 2022. Hiện tổ có 42 hộ gia đình, nhận quản lý, bảo vệ 334ha rừng.
Cũng theo ông Điểu Long, bà con nhận giao khoán rừng đã nhiều năm nay. Có thời điểm mỗi năm chỉ nhận được 100.000 – 200.000 đồng/ha. Mấy năm gần đây, nhất là từ 2017, tiền dịch vụ môi trường rừng được điều chỉnh tăng nên thù lao quản lý, bảo vệ rừng cũng tăng mạnh. Năm 2017 khoảng 700.000 đồng/ha. Còn năm 2018 dự kiến khoảng 900.000 đồng/ha. Bà con vui mừng vì được tăng thù lao quản lý, bảo vệ rừng thì lại nhận được thông tin sẽ cắt phần lớn diện tích giao khoán.
Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết đã yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ báo cáo cụ thể, rõ ràng về phương án giao khoán quản lý bảo vệ rừng cũng như các vấn đề liên quan. Quan điểm của Sở là cần thực hiện đúng các quy định pháp luật nhưng phải hài hòa lợi ích các bên. Nhất là phải ưu tiên đồng bào tại chỗ để họ ổn định cuộc sống, nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.