Không thống nhất, khó chạy
Cục Đường sắt Việt Nam đã gửi công văn xin ý kiến 22 tỉnh, thành phố và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về kế hoạch khai thác vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Kế hoạch nêu chi tiết số đôi tàu trên các tuyến, dự kiến ngày chạy lại của từng đôi tàu theo từng giai đoạn, các ga dừng đón, trả khách trên các tuyến và việc tổ chức thực hiện.
Cụ thể, trên tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh từ ngày 7/10 dự kiến chạy lại đôi tàu SE7/SE8; tiếp theo là các đôi tàu SE5/SE6, SE3/SE4. Từ ngày 8/10 dự kiến chạy lại đôi tàu NA1/2 tuyến Hà Nội - Vinh và đôi tàu LP5/6 tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Từ ngày 15/10 dự kiến chạy lại đôi tàu SE21/SE22 tuyến Đà Nẵng - Sài Gòn và từ ngày 1/11 dự kiến chạy lại đôi tàu SNT1/2 tuyến Nha Trang - Sài Gòn và đôi tàu SPT1/2 tuyến Phan Thiết - Sài Gòn. Từ ngày 1/12 dự kiến chạy các đôi tàu khách theo quy định của Biểu đồ chạy tàu và chạy thêm một số chuyến tàu khách trên tuyến Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết khi có nhu cầu.
Song đến nay, mới có 2 Sở GTVT Phú Yên, Quảng Trị đề xuất UBND tỉnh thống nhất với kế hoạch chạy tàu, nhưng chưa có công văn phản hồi chính thức từ UBND các tỉnh. Cục Đường sắt Việt Nam vẫn đang chờ phản hồi của các địa phương để có quyết định tiếp theo, nhưng kế hoạch chắc chắn sẽ phải điều chỉnh theo tình hình thực tế.
VNR cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện... sẵn sàng tổ chức chạy lại tàu khách trên các tuyến. Đơn vị này cũng sẽ chấp hành nghiêm các chỉ thị của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT trong công tác phòng chống dịch COVID-19; đồng thời, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp “5K” trong quá trình giao tiếp và phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, theo ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc VNR, mặc dù nguồn nhân lực và các điều kiện chạy tàu đã sẵn sàng, nhất là các điều kiện về đảm bảo an toàn phòng dịch, nhưng lại các ga dừng đỗ, đón trả khách trên các tuyến nếu không có sự thống nhất của các địa phương và chính quyền nơi có ga đón, trả khách chấp thuận và chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch phát sinh thì các chuyến tàu không thể hoạt động.
Nhiều địa phương vẫn “soi” người từ Hà Nội về
Qua tìm hiểu, từ đầu tháng 10, mặc dù dịch COVID-19 đã và đang từng bước được kiểm soát hiệu quả, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện cho người dân đi lại, đảm bảo thích ứng an toàn, nhưng một số tỉnh, thành phố vẫn “dè dặt” với quy định cho phép người từ Hà Nội vào địa bàn. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, TP Hải Phòng... đã có sự điều chỉnh cho người từ Hà Nội và các địa phương "vùng xanh" lưu thông.
Cụ thể, tỉnh Nam Định quy định, từ 0 giờ ngày 6/10, người từ Hà Nội và các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ vào Nam Định phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine (trong đó mũi cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm về tỉnh) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có giấy xét nghiệm âm tính (PCR hoặc test nhanh) trong vòng 72 giờ thì phải thực hiện cách ly y tế tại nhà 7 ngày, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 14 ngày; thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành y tế. Trước ngày 6/10, những người đủ điều kiện này vào Nam Định phải cách ly tập trung 7 ngày, sau đó cách ly tại nhà 7 ngày. Người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ số mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ thì phải thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày kể từ ngày về tỉnh, sau đó tiếp tục cách ly y tế tại nhà 14 ngày. Tuy nhiên, tỉnh khuyến cáo những người đến/về từ các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15 không về tỉnh nếu không thực sự cần thiết.
Tương tự, tỉnh Thái Bình từ 15 giờ ngày 5/10 áp dụng điều chỉnh một số quy định cho người ra/vào địa phương: Không tiếp nhận với những địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 16. Đối với người Hà Nội và người đến và về từ địa bàn áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ thì phải thực hiện cách ly y tế tại nhà 7 ngày. Đối với những địa phương khác an toàn hơn, tỉnh Thái Bình chỉ yêu cầu khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe, giám sát y tế.
Còn tại Hải Phòng, Sở Y tế địa phương vừa ban hành hướng dẫn tạm thời về công tác phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu người từ các địa phương về Hải Phòng phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp Realtime – PCR trong vòng 72 giờ. Đối với người ở các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16, trường hợp bất khả kháng khi về Hải Phòng, thì phải thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/ nơi cư trú 7 ngày. Đối với những người trở về Hà Nội và các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, thì nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, có xét nghiệm PCR âm tính phải thực hiện cách ly y tế tại nhà 7 ngày. Người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày...
Theo kế hoạch của Cục Đường sắt Việt Nam, việc khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng chống dịch COVID-19, tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực, kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Song rõ ràng, với các quy định “bế quan tỏa cảng” như trên, kế hoạch của ngành Đường sắt sẽ vẫn nằm trên giấy.