Cụ thể, dự án nâng cấp phần cầu yếu thuộc đường sắt Bắc – Nam đoạn Nha Trang - Sài Gòn đã nâng cấp được 125 cầu yếu, hiện chỉ còn 2 cầu nhà thầu chuẩn bị tiến hành lắp dầm và hoàn thiện các hạng mục liên quan.
Riêng tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận Hà Nội thì khó có thể về đích trong năm nay vì còn đang vướng mặt bằng.
Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, tổng diện tích giải phóng mặt bằng thu hồi đất để thực hiện xây dựng 6 đoạn đường gom và ga Chợ Tía là 23.026,6m2; trong đó, huyện Thường Tín gồm xã Tô Hiệu với diện tích thu hồi đất 13.321,5m2 để thực hiện xây dựng hàng rào đường gom đoạn: Km25+283,15-km25+752,38; km25+785,48-km25+982,58 và ga Chợ Tía.
Tại xã Văn Tự, diện tích thu hồi đất 2.9004,4m2 để thực hiện xây dựng hàng rào đường gom đoạn Km25+982,58-km26+157,82 và km26+905-km27+081. Ở xã Vạn Điểm, diện tích thu hồi đất 1.304,2m2 để thực hiện xây dựng hàng rào đường gom đoạn Km28+965-km29+170. Xã Minh Cường có diện tích thu hồi đất 4.788,7m2 để thực hiện xây dựng hàng rào đường gom đoạn Km29+800-km29+972; km30+235-km30+548,20.
Tại thị Trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên), diện tích thu hồi đất 707,8m2 để thực hiện xây dựng hàng rào đường gom đoạn Km32+759-Km32+850.
Hiện các địa phương đang thực hiện giải phóng mặt bằng và chưa chốt thời hạn bàn giao hết mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đặc biệt, hạng mục nâng cấp nhà ga khu gian ga Chợ Tía với nhiều khối lượng công việc phải triển khai nhưng xã Tô Hiệu (địa phận ga Chợ Tía) mới bàn giao được 6.267m2 trong tổng số 13.321,5m2 phải thu hồi.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín đã phê duyệt bản đồ của 15 hộ gia đình thu hồi đất tại khu vực phía Nam ga Chợ Tía. Đồng thời, tham mưu UBND huyện ra thông báo thu hồi đất ngày 8/7/2022 và đang công khai thông báo thu hồi đất để thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc phục vụ công tác lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng.
Đối với 30 hộ gia đình nằm trong diện giải phóng mặt bằng phía Bắc ga Chợ Tía, đơn vị tư vấn lập bản đồ giải phóng mặt bằng đang hoàn thiện hồ sơ trình Phòng Tài nguyên Môi trường huyện phê duyệt để ra thông báo thu hồi đất. Đại diện Phòng Điều hành dự án 1 đánh giá, công tác lập hồ sơ giải phóng mặt bằng của đơn vị tư vấn chậm, không đáp ứng tiến độ đề ra. Đặc biệt, việc xin chấp thuận tái định cư của dự án vẫn chưa được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận. Từ đó, dẫn đến vướng mắc trong công tác lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong phạm vi giải phóng mặt bằng.
Để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, lãnh đạo Phòng Điều hành dự án 1 cho hay, phòng thường xuyên cử cán bộ làm việc, đôn đốc và phối hợp với địa phương phương cùng giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, bám sát kế hoạch của địa phương…
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, ga Chợ Tía một trong những nhà ga trên địa phận Hà Nội sẽ được nâng cấp trong gói 7.000 tỷ đồng. Cụ thể, sẽ xây mới nhà ga, kéo dài đường ray khu gian lên hơn 400 m đảm bảo có thể tiếp đón được các đoàn tàu từ 22-24 toa. Qua đó, giúp nâng cao năng lực xếp dỡ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt tại Hà Nội và giảm tải dần cho ga Thường Tín, Giáp Bát.
Trong khi đó, đối với dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang (Dự án Vinh - Nha Trang) do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, đại diện đơn vị này này cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành các gói thầu xây lắp; trong đó, có phần đường đã nghiệm thu hoàn thành trong năm 2021.
Đánh giá tổng thể dự án nâng cấp đường sắt gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016 – 2020, Bộ Giao thông Vận tải tỏ ra rất sốt ruột và đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án này.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, hiện dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh các hạng mục công trình, gói thầu (trừ các hạng mục vướng mắc mặt bằng và hệ thống thông tin tín hiệu) đoạn Hà Nội - Vinh đã cơ bản hoàn thành và được chủ đầu tư nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, các dự án còn có một số hạng mục công trình, gói thầu chậm tiến độ, chưa hoàn thành. Nguyên nhân do một số gói thầu chủ đầu tư chưa phối hợp hiệu quả, quyết liệt với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại về giải phóng mặt bằng.
Các Ban quản lý dự án (Ban Quản lý dự án đường sắt, Ban Quản lý dự án 85) chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác chỉ đạo xử lý kỹ thuật tại hiện trường, chưa kịp thời xử lý các nhà thầu chậm tiến độ. Năng lực thi công của một số nhà thầu còn hạn chế. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công để hoàn thành các công việc còn lại theo kế hoạch.
Trước đó, từ tháng 6/2020, các gói thầu xây lắp của 4 dự án đường sắt cấp bách đã được khởi công xây dựng toàn bộ. Bốn dự án có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng sử dụng vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Dự án theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2021 nhưng phải kéo dài đến năm 2022.
Nguyên nhân được các Ban quản lý dự án đưa ra là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, cùng đó là mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai dự án. Nhiều gói thầu bị chậm tiến độ do địa phương vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chậm bàn giao mặt bằng thi công.
Tại dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh gói 7.000 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư 3 dự án gồm: cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.
Ban Quản lý dự án 85 được giao làm chủ đầu tư dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang. Về hợp phần này đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào tháng 10/2019, có tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng. Dự án thực hiện gia cố vỏ hầm yếu, thấm dột nặng và thay thế kiến trúc tầng trên tại 10 hầm đường sắt; kéo dài đường ga tại 5 ga, mở mới ga Xuân Sơn Nam (Phú Yên), di dời ga An Mỹ và đổi tên thành ga Tam Thành (ở Quảng Nam), sửa chữa đối với 6 ga khác.
Tuy vậy, vì nhiều lý do, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa chấp thuận chủ trương cho phép kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu xây lắp số 12 của dự án để thực hiện công việc bổ sung (nếu có), đảm bảo tuân thủ quy định.
Trong một diễn biến liên quan, để hoàn thành việc nâng cấp toàn bộ tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và hệ thống đường sắt trên toàn quốc nói chung, mới đây Bộ Giao thông Vận tải) vừa phê duyệt nhiều dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam (tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh) và các ga phía Bắc.
Cụ thể, ngay trong năm 2022, 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn và dự án các ga phía Bắc, vốn trung hạn 2021-2025 sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án.
Được biết, 4 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn có tổng vốn hơn 3.100 tỷ đồng. Trong khi đó dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc sẽ nâng cấp 9 ga gồm: 3 ga hành khách và 6 ga hàng hóa với tổng mức đầu tư là 350 tỷ đồng.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin, dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét (Quảng Bình), tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành các thủ tục để có thể khởi công trong năm 2022.