Long An thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thích ứng với dịch COVID-19 trong tình hình mới

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19; đảm bảo sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho người dân, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2021 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai kế hoạch phục hồi, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản thích ứng với dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa tại cánh đồng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hưng, tỉnh Long An. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Theo đó, tỉnh tập trung thúc đẩy sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sau khi thực hiện giãn cách xã hội. Các ngành trong tỉnh tuyên truyền vận động, khuyến cáo nhân dân lịch thời vụ gieo sạ tập trung né rầy, hạn chế sâu ăn trong sản xuất lúa; hướng dẫn rải vụ thu hoạch thanh long, chanh… đạt hiệu quả; tránh trường hợp thu hoạch tập trung cùng một thời điểm, dẫn đến cung vượt cầu, tình trạng ứ đọng nông sản, giá bán thấp; rà soát, khuyến cáo điều kiện chuồng trại, quy trình kỹ thuật, lựa chọn con giống... để tái đàn trong chăn nuôi, nuôi thủy sản đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng, nhân rộng những mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao như: Cánh đồng lớn, 3G3T, 1P5G, quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)…

Các ngành liên quan tổ chức rà soát, nắm chắc diện tích sản xuất, đến kỳ thu hoạch các loại nông sản chủ lực của tỉnh (lúa, thanh long, chanh, rau các loại, gia súc, gia cầm, tôm, cá các loại…). Đồng thời, các ngành, địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin về thương lái, doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua nông sản; các trang thiết bị, máy móc, lò sấy lúa... phục vụ việc thu hoạch nông sản. Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái, doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thu mua nông sản; không để nông sản đến kỳ thu hoạch không thu hoạch được gây thiệt hại cho người dân, gây đứt gãy chuỗi cung ứng; ưu tiên bố trí luồng xanh cho phương tiện thu hoạch, vận chuyển nông sản theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.
       
Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát, thống kê tình hình hoạt động của các cơ sở sơ chế, đóng gói nông sản, xay xát lúa gạo, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến nông sản, kịp thời cập nhật khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ; tổ chức đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và tổ chức thẩm định phê duyệt phương án phục hồi sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; kết nối vùng nguyên liệu với doanh nghiệp để đảm bảo nguồn hàng cho chế biến, xuất khẩu.

Long An còn kết nối cung cầu sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối trong nước. Cơ quan chức năng theo dõi kịp thời cung cấp thông tin thị trường, tình hình các cửa khẩu biên giới đến các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm chủ động điều tiết cung ứng hàng hóa nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu.
       
Tỉnh ưu tiên, đảm bảo 100% các đối tượng tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, thu mua, vận chuyển, sơ chế (kể cả giết mổ), chế biến, bảo quản, kinh doanh nông sản trên địa bàn được tiêm vaccine phòng COVID-19...

Thanh Bình (TTXVN)
Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh 'bắt tay' thực hiện du lịch an toàn, thích ứng với dịch COVID-19
Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh 'bắt tay' thực hiện du lịch an toàn, thích ứng với dịch COVID-19

Đã từ lâu, du khách Thành phố Hồ Chí Minh rất chuộng những sản phẩm du lịch ở xứ "Rừng trầm, biển yến" như du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, ẩm thực biển… Ngược lại, Khánh Hòa cũng là thị trường du lịch khá quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh với các sản phẩm du lịch chủ lực như: Du lịch đô thị, du lịch mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - lịch sử… và kết nối đến các tỉnh lân cận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN