Cụ thể, thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt trên 13.800 tỷ đồng, đạt 107,6% dự toán được giao, bằng 110% so với cùng kỳ 2017; trong đó, thu nội địa đạt gần 11.900 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 1.950 tỷ đồng. Mặc dù số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Long An vượt dự toán được giao, nhưng trong đó vẫn còn có nhiều lĩnh vực thu chưa đạt dự toán, thậm chí thấp hơn so với cùng kỳ.
Ví dụ như lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương chỉ thu 365 tỷ đồng, đạt 88% dự toán, bằng 86% so với cùng kỳ; lĩnh vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thu 1.550 tỷ đồng, bằng 67,4% dự toán; thu tiền thuê đất 408 tỷ đồng, đạt 68% dự toán và chỉ bằng 58% so với cùng kỳ…
Năm 2019, Long An xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 13.744 tỷ đồng, cao hơn 60 tỷ đồng so với chỉ tiêu Trung ương giao; trong đó, thu nội địa đạt 11.685 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 2.059 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương được dự toán hơn 12.428 tỷ đồng; bao gồm chi đầu tư phát triển hơn 3.271 tỷ đồng; chi thường xuyên gần 7.492 tỷ đồng; chi các chương trình mục tiêu quốc gia gần 1.100 tỷ đồng…
Để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu thu chi ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Long An đề nghị các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm tiết kiệm, chống lãng phí, bố trí kinh phí phù hợp khả năng cân đối nguồn lực. Các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thu ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế…; kiên quyết xử lý tình trạng nợ đọng thuế.
Các ngành chức năng tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tăng thu ngân sách về lâu dài bằng việc gỡ bỏ các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; không ban hành chính sách mới khi không có nguồn đảo bảo.
Ngoài ra, tỉnh Long An đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp lại hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện giảm dần mức hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp, trên cơ sở đó cơ cấu lại các lĩnh vực chi thường xuyên. Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước, tập trung rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra tài chính; xử lý kịp thời những sai phạm trong hạch toán kế toán, báo cáo tài chính…