Ngày 28/5, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2014 để tăng hạng, bởi 2 năm liên tục tỉnh bị rớt hạng không chỉ so với các tỉnh trong cả nước, mà ngay cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.Theo đó, về giải pháp khôi phục các chỉ số có điểm tụt giảm, trong đó có nhóm giải pháp cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, tỉnh thực hiện các quy trình quản lý theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO. Giải quyết nhanh và dứt điểm các trường hợp tái định cư còn bất cập. Công khai trên các cổng thông tin điện tử của tỉnh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ.
Nhóm cải thiện chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Long An tăng cường thông tin chi tiết về pháp luật, quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, các dự án kêu gọi đầu tư, các dịch vụ,... để giới thiệu, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đóng bao gạo xuất khẩu tại xí nghiệp chế biến lương thực số 2, Công ty lương thực Long An. Ảnh: Đình Huệ, TTXVN |
Nhóm giải pháp tiếp tục nâng cao chỉ số chi phí gia nhập thị trường, tỉnh tổ chức, hướng dẫn thực hiện đăng ký kinh doanh, đấu thầu qua mạng. Tăng cường năng lực cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, bộ phận dịch vụ công để hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về thủ tục giải quyết thủ tục hành chính, tránh tình trạng doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ nhiều lần.
Với nhóm giải pháp nâng cao chỉ số năng động của lãnh đạo, Long An tổ chức tham vấn cơ quan đầu mối về doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để tiếp thu các phản ánh về chất lượng điều hành của chính quyền. Thường xuyên tổ chức đối thoại để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tiếp nhận các phản ánh của doanh nghiệp. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan quản lý nhà nước ở sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết kiến nghị và thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Giải pháp nâng cao các chỉ số có điểm thấp và trung bình, trong đó, nhóm giải pháp cải thiện chỉ số chi phí thời gian, Long An cải tiến các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính ở cơ quan quản lý nhà nước, kể cả đối với các cơ quan đang thực hiện quy trình quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO. Việc kiểm tra các doanh nghiệp được tổ chức hợp lý, lồng ghép các nội dung, có phương án phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các ngành, địa phương nhằm giảm số lần và thời gian kiểm tra.
Nhóm giải pháp cải thiện chỉ số chi phí không chính thức, tỉnh tăng cường tính công khai, minh bạch và sự giám sát chặt chẽ trong cấp giấy phép, đấu thầu, trong mua sắm công để hạn chế việc chi hoa hồng của các doanh nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức có liên quan để nhận được hợp đồng, đơn đặt hàng với cơ quan nhà nước.
Nhóm giải pháp cải thiện chỉ số thiết chế pháp lý, tỉnh tăng cường năng lực điều tra, phát hiện các hành vi tham nhũng trong đầu tư và mua sắm công. Thực hiện dịch vụ hỗ trợ pháp lý của tỉnh để mở rộng dịch vụ pháp lý đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp...
Năm 2013, theo công bố chỉ số PCI trong cả nước của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tỉnh Long An xếp ở nhóm khá, hạng 19/63 tỉnh, thành với 59,36 điểm/100 điểm. So với kết quả năm 2012, Long An giảm gần 1 điểm, ở hạng 16 - giảm 3 hạng; trong khi năm 2011 tỉnh Long An đứng vị trí thứ 3 của cả nước.
Việc tăng cường các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh trên nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng quản lý điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền. Qua đây, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại Long An, góp phần nâng cao tổng sản phẩm, thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước…
Thanh Bình