Đơn cử, nhiều chuyến bay của Bamboo Airways, đặc biệt trên một số đường bay ngách như Hải Phòng đi Nha Trang, thậm chí Hà Nội đi Đà Nẵng… liên tục thay đổi, thậm chí huỷ chuyến. Một vài đường bay quốc tế đi, đến Australia hay Anh cũng trong tình trạng này.
Đáng chú ý, đối với đường bay kết nối Thủ đô Hà Nội với vùng đất điểm đầu phía Nam của Tổ quốc là Cà Mau, hãng đã thông báo dừng khai thác. Tuyến đường Hà Nội - Cà Mau là một trong những hành trình đường bộ dài nhất cả nước, với khoảng cách lên đến hơn 1.900 km. Trước đây, hành khách phải di chuyển nhiều ngày bằng đường bộ kết hợp đường thủy, hoặc bằng các chuyến bay nối chuyến.
Thời gian qua, Bamboo Airways là hãng hàng không tích cực trong việc mở thị trường ngách nội địa, khi sở hữu những đường bay nối các sân bay tại Quy Nhơn, Đà Lạt, Côn Đảo… và gần nhất là Điện Biên, Cà Mau.
Trước đó, khi dịch COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam, các hãng hàng không đã mở một loạt đường bay ngách nội địa. Như Vietnam Airlines đã mở nhiều đường bay nối các sân bay địa phương như Đà Lạt - Thanh Hóa, Cần Thơ - Đà Lạt, Hải Phòng - Cần Thơ, Vinh - Cần Thơ, Hải Phòng - Buôn Ma Thuột… Vietjet cũng mở đường bay Hải Phòng - Quy Nhơn, Vinh - Phú Quốc, Vinh - Đà Nẵng...
Giới phân tích nhận định, việc mở các đường bay ngách giúp hãng hàng không chi trả được chi phí biến đổi như nhiên liệu bay, lương phi hành đoàn... và các chi phí cố định mỗi tháng, mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp. Về phía địa phương, các đường bay này tạo cơ hội đi lại thuận tiện và đỡ tốn chi phí hơn cho người dân; không những vậy, còn giúp các địa phương kích cầu du lịch, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, một số địa phương vẫn bày tỏ mong muốn các hãng hàng không tăng tần suất chuyến bay cũng như có chính sách hỗ khai thác đường bay đến tỉnh.
Như tỉnh Kiên Giang vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, Vietnam Airlines, VASCO về việc khai thác các chuyến bay đi, đến Cảng hàng không Rạch Giá.
Theo đó, xem xét tăng tần suất khai thác và duy trì bay thường lệ hàng ngày (7 chuyến/tuần) với giờ bay khởi hành từ Tp. Hồ Chí Minh và thành phố Rạch Giá từ 7 giờ trở đi để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và mở thêm 1 đường bay mới Rạch Giá - Phú Quốc - Rạch Giá.
Qua khảo sát, lấy ý kiến người dân tại địa phương, tần suất khai thác và giờ bay khai thác như vậy là quá mỏng và quá sớm, không phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân địa phương, gây khó khăn cho việc đi lại.
Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại của người dân, du khách và thương nhân giữa thành phố Rạch Giá với thành phố Phú Quốc ngày một tăng cao. Trung bình 1 ngày có 6 - 8 chuyến tàu xuất phát từ Rạch Giá đi Phú Quốc và ngược lại nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
Hay tỉnh Cà Mau cũng dự tính sẽ hỗ trợ một phần chi phí cho các hãng hàng không khai thác đường bay đến tỉnh, nhằm góp phần duy trì tần suất chuyến bay cũng như mở đường bay mới trong thời gian tới.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, đến ngày 29/4, đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội và ngược lại được đưa vào khai thác với tần suất 3 chuyến/tuần. Các chuyến bay trên luôn có hệ số ghế cao (trên 80% số ghế được khai thác sau khi đã giảm tải), qua đó cho thấy bước đầu đã đáp ứng được sự mong đợi của người dân và doanh nghiệp.
Có thể thấy, việc mở đường bay ngách không những giúp hành khách có thể rút ngắn thời gian di chuyển mà còn được kỳ vọng góp phần hỗ trợ địa phương gia tăng liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng lúc, các hãng hàng không sẽ đạt mục tiêu phủ kín mạng bay nội địa, tạo lập phân khúc khách hàng mới. Tuy vậy, để lối đi này bền vững, cần nhiều yếu tố; trong đó, bao gồm yếu tố kết cấu hạ tầng giao thông.
Rõ nhất đối với đường bay Hà Nội - Cà Mau - Hà Nội của Bamboo Airways, các tàu bay E190 phục vụ đường bay này tại Cảng Hàng không Cà Mau phải khai thác với hệ số vượt tải 10% và tần suất khai thác không vượt quá 5% so với tổng số chuyến bay trong năm. Theo tính toán của hãng, số chuyến bay vượt tải sẽ kết thúc vào ngày 25/7/2023 và hãng không thể duy trì đường bay nếu không được chấp thuận cho phép tiếp tục khai thác vượt tải.
Đại diện các hãng bày tỏ mong muốn Chỉnh phủ đẩy mạnh vai trò của tư nhân tham gia xã hội hoá hạ tầng sân bay để nhanh chóng nâng cấp các sân bay địa phương; đồng thời, tăng cường quảng bá điểm đến tại các địa phương, kích thích nhu cầu dịch chuyển của thị trường, tăng hệ số sử dụng ghế trên các chuyến bay; từ đó tạo trợ lực cho các đường bay ngách.