Diễn đàn với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới, Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, để phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, trong thời gian tới, cần xác định rõ kinh tế tập thể nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Đặc biệt, phát triển kinh tế tập thể theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: năm 2020 và giai đoạn 10 năm 2010 - 2020, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế; trong đó, bao gồm: đóng góp trực tiếp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, kinh tế cá thể.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu…Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thể hiện ở cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, công tác thực hiện chức năng quản lý nhà nước và bản thân các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Một số quy định của Luật còn chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc có hướng dẫn thì chưa khả thi dẫn đến khó triển khai.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, tư duy về mô hình hợp tác xã kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác” đã bước đầu thành công, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường.
Trong thời gian vừa qua, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định.
“Số lượng hợp tác xã tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Ước tính đến 31/12/2020, toàn quốc có 26.112 hợp tác xã; trong đó, có 17.462 hợp tác xã nông nghiệp, 8.650 hợp tác xã phi nông nghiệp, thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong hợp tác xã khoảng 1,133 triệu người”, Thư trưởng Trần Quốc Phương thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thể hiện qua hai kênh. Đó là, đóng góp trực tiếp của khu vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên tổ hợp tác. Đây là xu hướng mới phát triển nổi bật của các hợp tác xã trong thời gian qua.
Chia sẻ về vai trò của hợp tác xã trong thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trưng ương cho hay, trước biến đổi khí hậu, diễn biến cực đoan của thời tiết, thiên tai trong những năm qua và đại dịch COVID-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay, hợp tác xã có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, cần thực thi các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu theo các loại hình hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, xây dựng… nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã về quản lý các loại tài nguyên, giảm thiểu thiệt hại bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…xen ghép vào hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, tổ hợp tác.
Phát biểu tại diễn đàn, nhiều chuyên gia về nông nghiệp và các đại biểu đều chung nhận định, thương mại thế giới đang có những thay đổi mạnh mẽ, cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn rất khó đoán định. Xu hướng hội nhập, mở cửa đan xen với bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là dịch COVID-19 đã, đang và còn tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Các đại biểu cũng cho rằng, song cơ hội cho các hợp tác xã cũng rất nhiều nếu năng động và biết chớp thời cơ hành động. Các hợp tác xã cần phải có sự liên kết, hợp tác, cùng nhau phát triển, trong xây dựng và phát triển hợp tác xã thời kỳ mới, các hợp tác xã cần hợp tác, liên kết với nhau, liên kết giữa các thành viên trong từng hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của thành viên và nhân dân, tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Dưới góc độ địa phương, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La cho biết, trong thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khu vực hợp tác xã tại Sơn La vẫn hoạt động khá ổn định, số lượng hợp tác xã vẫn tăng dần theo các năm.
Theo đó, có một số mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nổi bật như mô hình trồng cây ăn quả, năm 2019, các hợp tác xã tại tỉnh đã xuất khẩu được 20.795 tấn hoa quả vào các thị trương lớn như các nước EU, Mỹ, Australia. Mô hình hợp tác xã trồng rau an toàn, mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ…đã góp phần tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân trong tỉnh.