Lật tẩy các chiêu gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa - CO
Theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải), hải quan hiện đã khoanh vùng cảnh báo 15 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo C/O cao, đặc biệt là dệt may, da giày và túi xách; điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; gỗ và các sản phẩm gỗ…
“Những mặt hàng trên có dấu hiệu rủi ro nhiều, khi vốn đầu tư không tăng cao nhưng xuất khẩu lại lớn. Đáng chú ý, đây là hàng hóa mà Hoa Kỳ đang giám sát đặc biệt ở Trung Quốc. 6/15 nhóm hàng này đang bị Hoa Kỳ áp dụng đánh thuế thương mại từ Trung Quốc; đồng thời là mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu cao, lượng nhập vào Việt Nam nhiều và xuất đi cũng nhiều”, ông Âu Anh Tuấn nói.
Trong quá trình làm thủ tục hải quan và qua quá trình điều tra, xác minh cũng như từ các nguồn thông tin khác, Tổng cục Hải quan đã phát hiện nhiều hình thức gian lận, có thể chia theo 2 nhóm. Thứ nhất là nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ trong nước.
Biểu hiện gian lận là hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài, khi nhập khẩu về Việt Nam ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc trên sản phẩm hay bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa “Made in China” nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp bóc nhãn hàng hóa dán trên bao bì/sản phẩm và thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “C/O Việt Nam”.
Các đối tượng vi phạm thuộc nhóm này rất tinh vi, thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí C/O theo quy định nhưng vẫn ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc C/O Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.
Thứ hai là nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu. Đối tượng là doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) nhập khẩu hàng hóa/nguyên vật liệu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí C/O theo quy định nhưng khai C/O Việt Nam hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận C/O của Việt Nam để xuất khẩu.
Chia sẻ về tình hình địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ông Vy Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng: Địa bàn do các chi cục thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn quản lý luôn tiềm ẩn rủi ro vi phạm về gian lận xuất xứ và giả mạo nhãn mác hàng hóa. Trong đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị là một trong những cửa khẩu quốc tế đường bộ có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), phương tiện vận tải, hành khách XNK lớn và thường xuyên có tình trạng chủ hàng lợi dụng để nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, một số các cửa khẩu phụ tiếp giáp gần với Trung Quốc nên một số đối tượng đã lợi dụng địa hình để mang vác, gùi, cõng các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, đồ điện gia dụng… giả các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài sang Việt Nam.
Để kiểm soát chặt, Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu ráo riết tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, áp dụng các tiêu chí quản lý rủi ro trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK. Đặc biệt, đơn vị đã tập trung kiểm tra việc khai báo của chủ hàng trên tờ khai hai quan về tên hàng, nhãn hiệu, xuất xứ, chất lượng, nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm, bao bì đóng gói, đối chiếu với kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa với các chứng từ có liên quan trong bộ hồ sơ hải quan.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước khi cấp C/O
Để phòng chống hiệu quả việc gian lận C/O, một số ý kiến cho rằng: Cần kiểm soát chặt hoạt động đầu vào nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và đầu ra, xuất khẩu đi các nước mà hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan
Theo bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa là việc làm thường xuyên của VCCI. VCCI đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cần tăng cường trao đổi kịp thời số liệu, dữ liệu của doanh nghiệp.
VCCI cần sự hợp tác thường xuyên của Bộ KHĐT thông báo các doanh nghiệp mới thành lập, lĩnh vực đầu tư, sản xuất để có thể đánh giá, xem mức độ đầu tư sản xuất đến đâu, quy trình có đáp ứng đủ điều kiện quy tắc C/O hay không để tư vấn ngay từ đầu cho doanh nghiệp, hoặc có thể đưa ra quyết định không cấp C/O đối với doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn.
Đối với hải quan, VCCI đề nghị có biện pháp kiểm soát từ đầu vào nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu của doanh nghiệp và đầu ra xuất khẩu, thường xuyên trao đổi, đưa ra cảnh báo cũng như phối hợp áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý gian lận thương mại, gian lận C/O.
Còn ông Âu Anh Tuấn cho hay: Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công thương, VCCI siết chặt công tác quản lý cấp giấy chứng nhận C/O theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP đối với trường hợp qua kết quả kiểm tra, thanh tra xác định hành vi gian lận, giả mạo C/O, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.
“Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, VCCI để xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến về số lượng, kim ngạch so với cùng kỳ, thực hiện kiểm tra, xác định C/O, nhằm phát hiện, xử lý sớm các trường hợp gian lận, giả mạo C/O, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp”, ông Âu Anh Tuấn nói.
"Có nhiều mặt hàng được chúng tôi cảnh báo như: Ốc vít, bu lông cần quản lý rủi ro bằng cách kiểm tra nguồn nguyên liệu ngay từ khâu nhập khẩu để tránh trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu về bán thành phẩm, thậm chí thành phẩm mà vẫn kê là nguyên liệu - sắt thép. Tờ khai hải quan là nhập thép nguyên liệu, thép cuộn để kéo thẳng, đột dập tạo thành bu lông, ốc vít, nhưng thực tế là thành phẩm và tìm cách xuất khẩu tiếp", đại diện VCCI nói.