Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu.
Để bảo đảm thi hành Luật này từ ngày có hiệu lực thi hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP.
Dự thảo Nghị định bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, như bỏ quy định liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quy mô dự án PPP; sửa đổi một số quy định về thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP; bổ sung quy định về lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án áp dụng loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán; sửa đổi, bổ sung về đối tượng được hưởng ưu đãi và mức ưu đãi… và nhiều quy định khác để hướng dẫn các nội dung mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu.
Đồng thời, dự thảo Nghị định có kèm theo 2 mẫu báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP gồm mẫu đối với dự án áp dụng loại hợp đồng O&M và mẫu đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để thuận tiện trong thực hiện.
Được biết, trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kịp thời gỡ khó cho dự án BOT còn vướng mắc, tránh dẫn đến nợ xấu là giải pháp khơi thông dòng chảy tín dụng cho các dự án PPP trong tương lai, tạo ngay động lực cho tăng trưởng.
Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đánh giá, mô hình đầu tư PPP thời gian qua đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, triển khai nhiều dự án, mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư dự án đang gặp khó khăn. Ông Nghiệm cho biết, qua trao đổi với đại diện Bộ Giao thông Vận tải, hiện trên phạm vi cả nước có 11 dự án đang rất khó khăn về tài chính cần quan tâm xem xét giải quyết. Để tháo gỡ việc này, các nhà đầu tư cũng như địa phương đã phối hợp tìm giải pháp, nhưng có những việc vượt quá thẩm quyền.
Ông Hoàng Văn Nghiệm cho biết, trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ có nhắc đến cần có cơ chế phù hợp để giải quyết những khó khăn, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư có điều kiện giải quyết những tồn đọng hiện nay. Do đó, đề nghị rà soát, đưa các nội dung để khắc phục, gỡ các “điểm nghẽn” cả ở những dự án đang được thực hiện và đã khai thác vận hành, từ đó tháo gỡ khó khăn, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có những đóng góp thời gian qua.
Ý kiến khác đề xuất thêm phương án Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND cấp tỉnh ở các địa phương có dự án BOT vướng mắc rà soát, tổng hợp, phân loại báo cáo và trình Chính phủ để Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng cho phép nghiên cứu, tham mưu xây dựng một dự thảo nghị quyết riêng của Quốc hội nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách tối đa, tương tự phương án xử lý vướng mắc đối với những dự án BT chuyển tiếp...