Đánh giá về quá trình lấy nước cũng như hiệu quả, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Xin ông cho biết kết quả sau hai đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 ở khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ?
Diện tích có nước của khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ qua hai đợt lấy nước đạt 486.650 ha, tương đương khoảng 99%. Nhiều địa phương đã có diện tích lấy nước đạt 100% từ sớm như: Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Ninh Bình và Bắc Ninh. Riêng Hà Nội hiện thấp nhất cũng đạt 95%. Các diện tích chưa cấp đủ nước sẽ tiếp tục được cấp nước bằng các trạm bơm dã chiến, lợi dụng thủy triều... bảo đảm 100% diện tích gieo cấy sẽ được cung cấp đủ nước trong khung thời vụ tốt nhất.
Để bảo đảm dâng mực nước cho hạ du, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã tăng cường phát điện trước từ 2 - 3 ngày. Mực nước sông Hồng tại trạm Thủy văn Hà Nội trong hai đợt trung bình đạt 1,42m (đợt 1 đạt 1,58m, đợt 2 đạt 1,26 m), cao nhất đạt 2,06m. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 là 2,78 tỷ m3, thấp hơn so với vụ Đông Xuân 2022 - 2023 là 840 triệu m3.
Tận dụng nguồn nước xả này, các đơn vị quản lý khai thác tăng cường các giải pháp, vận hành tối đa các phương tiện lấy nước để hoàn thành kế hoạch lấy nước; đồng thời tích trữ vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ.
Mặc dù giữa hai đợt lấy nước là Tết Nguyên đán, song các địa phương cũng quan tâm chỉ đạo, vận động nông dân nhanh chóng đưa nước lên ruộng, đắp bờ ruộng kỹ càng và khẩn trương làm đất, gieo cấy để giữ nước, hạn chế thấp nhất thất thoát, lãng phí.
Kết quả lấy nước cũng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục có sự phối hợp tốt trong triển khai kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024, khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt là đã thực hiện tốt cam kết của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Thủ tướng Chính phủ là tổng lượng nước điều tiết từ các hồ chứa thủy điện bổ sung cho hạ du ở mức thấp nhất có thể, không vượt quá 3,5 tỷ m3.
Như vậy cả số ngày lấy nước và lượng nước xả vụ Đồng Xuân năm nay đều giảm so với kế hoạch. Theo ông điều gì đã góp phần tạo kết quả trên?
Trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, trước và trong thời gian lấy nước đợt 1, ở miền Bắc đã có mưa với tổng lượng phổ biến ở khu vực miền núi phía Bắc từ 10 - 25mm, khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ từ 5 - 23mm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lấy nước.
Cùng với tiến độ lấy nước thực tế của các địa phương được đẩy nhanh, qua đó đã rút ngắn thời gian lấy nước đợt 1 được 2 ngày. Việc rút ngắn thời gian lấy nước 2 ngày ở đợt 1 rút có ý nghĩa lớn về tiết kiệm nguồn nước trong các hồ chứa thủy điện cho xả nước đợt 2 cũng như cho phát điện giai đoạn mùa hè tới.
Những năm gần đây, do lòng dẫn biến đổi, mực nước trên sông Đà, sông Hồng trong vụ Đông Xuân có xu hướng ngày càng hạ thấp. Các công trình lấy nước dọc các sông trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn.
Nhưng vụ Đông Xuân này, Hà Nội đã di chuyển Trạm bơm Phù Sa sang vị trí khác để thi công công trình mới. Việc di chuyển này có kết hợp với việc hạ thấp máy để lấy nước tới 70 cm so với công trình cũ đã góp phần giải quyết khó khăn một phần diện tích lấy nước của Hà Nội qua công trình này. Đồng thời, Trạm bơm Trung Hà cũng lắp đặt máy bơm dã chiến. Đây là 2 điểm lấy nước khó khăn nhất của Hà Nội đã được giải quyết.
Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, diện tích có nước giữa các địa phương trong các đợt tương đối đồng đều, trừ Hà Nội. Nguyên nhân bởi một số huyện của thành phố có tập quán lấy nước muộn do có sản xuất vụ Đông. Một số khu vực cấp nước bằng các trạm bơm dã chiến nên cần thời gian lấy nước dài. Tuy nhiên, các trạm bơm dã chiến cơ bản chủ động vận hành, ít phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện nên sẽ bảo đảm việc cấp nước cho toàn bộ diện tích theo kế hoạch.
Bên cạnh những thuận lợi, những khó khăn gì mà ngành vẫn phải đối mặt khi triển khai lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024, thưa ông?
Trong cả hai đợt lấy nước, mực nước sông bị tác động mạnh của thủy triều nên việc duy trì mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội ở mức trung bình 1,7m trong đợt 1, tại Trạm Thủy văn Sơn Tây ở mức trung trình 1,8m trong đợt 2 gần như không bảo đảm trong tất cả các ngày lấy nước.
Tuy nhiên, dòng chảy đã cơ bản bảo đảm yêu cầu đẩy mặn và tạo điều kiện tương đối thuận lợi cho các công trình vận hành lấy nước, đặc biệt là các công trình ở khu vực ảnh hưởng triều và các trạm bơm dã chiến. Việc mực nước được duy trì ở mức tương đối cao trước 1 ngày so với kế hoạch cũng hỗ trợ rất tích cực cho các công trình thủy lợi vận hành.
Vụ Đông Xuân 2023 - 2024 lần đầu tiên ghi nhận xâm nhập mặn ở vùng hạ du tăng cao so với trước đây; đặc biệt, ở khu vực thành phố Hải Phòng nên đã ảnh hưởng đến khả năng lấy nước trong một số thời điểm.
Một số công trình của Hà Nội đã được đầu tư xây dựng để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên, hiện còn nhiều công trình cố định chưa được đầu tư, sửa chữa nâng cấp như các cống Cẩm Đình, Liên Mạc (Hà Nội), Long Tửu (Bắc Ninh) không đủ điều kiện vận hành lấy nước. Tình trạng này đã thường xuyên diễn ra từ vài năm gần đây, kể cả khi các nhà máy thủy điện vận hành tối đa công suất phát điện.
Thời gian tới, nếu các công trình này được đầu tư xây dựng, nâng cấp thì áp lực lấy nước cho vụ Đông Xuân sẽ giảm đi đáng kể.
Hiện đã kết thúc các đợt lấy nước, ông có khuyến cáo gì với các địa phương hiện chưa đạt 100% diện tích?
Tôi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chưa hoàn thành kế hoạch lấy nước trong hai đợt, đặc biệt là Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác tăng cường các giải pháp, vận hành tối đa các phương tiện lấy nước để hoàn thành kế hoạch lấy nước; đồng thời tích trữ vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ.
Các địa phương cũng khẩn trương vận động người dân đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa trong khung thời vụ đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo, bảo đảm giảm thiểu tối đa tổn thất nước trên ruộng.
Riêng Hà Nội tổ chức soát, đánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi dọc sông; bố trí kinh phí đầu tư xây dựng khẩn cấp các trạm bơm dã chiến để hỗ trợ lấy nước cho các công trình có hiệu quả lấy nước không cao (Liên Mạc, Hồng Vân,..) bảo đảm chủ động lấy nước, ít phụ thuộc vào nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện; xây dựng phương án tổng thể, dài hạn bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn.
Xin cảm ơn ông!