Nhật Tân đào, quất đều vui
Anh Trần Tiến Dũng, tổ 40, cụm 5, phường Nhật Tân (Hà Nội) cho hay, nghề trồng đào Tết, bận nhất là từ giữa tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) đến hết tháng Giêng (hết tháng 1 Âm lịch). Theo anh Dũng, với người trồng đào Tết, tháng Chạp tuy bận, nhưng là thời gian vui nhất trong năm. Bởi vào dịp này, cả khu vực trồng đào của phường Nhật Tân rộng hơn 50 ha, người đổ về chật kín như hội. Khách về chọn mua hoa đào đã đông, khách về xem hoa đào, chụp ảnh với hoa đào càng đông hơn. Ô tô lớn, ô tô bé, xe đạp, xe máy chật kín các con đường trong khu vực. Trong những ngày này, các chủ vườn đào phải tiếp khách từ sáng sớm đến tối mịt, rồi cũng phải hì hục chuyển, chở đào cho khách. Hết một ngày là mệt phờ, nhưng bù lại, là có khoản thu nhập.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Dậu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) chăm sóc vườn hồng đỏ để bán vào dịp Tết Bính Thân. |
Khoát tay chỉ toàn bộ khu vườn rộng hơn 1.500 m2, anh Dũng cho hay, năm nay người trồng đào gặp may vì thời tiết thuận lợi, hoa đào sẽ nở rộ đúng dịp Tết. Nhìn 300 gốc đào cổ thụ và 200 chậu mai cảnh với các nụ hoa sai trổ kín các cành, anh Dũng dự tính, gia đình có thể thu về 400 - 500 triệu đồng vụ đào Tết Bính Thân này.
Tại khu trồng quất phường Tứ Liên (Hà Nội), vườn quất Thắng Nga năm nay cũng trúng đậm. Với hơn 3.000 m2, chủ vườn trồng 500 cây quất các loại, chị Nguyễn Thị Nga, chủ vườn cho hay, thời tiết năm nay tuy khó làm, nhưng nhờ có kinh nghiệm và kỹ thuật nên tỉ lệ cây hỏng trong vườn rất ít. Đặc biệt, do chịu khó nghiên cứu, thử nghiệm tách, chiết, lai tạo... nên vườn năm nay có nhiều cây “độc nhất vô nhị” ở Tứ Liên. Ví như trên một cây quất cảnh ra 3 loại quả, gồm phật thủ, cam canh và quất. Rồi có những cây gốc là bưởi, nhưng cành và quả là quất. Lai tạo được những cây như thế, chị Nga cho hay, mất rất nhiều công và nhiều năm thử nghiệm. Nhưng khi thành công, mỗi cây độc đáo như vậy khách hàng sẵn sàng thuê với giá từ 25 - 35 triệu đồng/cây để chưng Tết.
Tây Tựu ly kém vuiNếu như thời tiết nắng ấm ban cho người trồng đào Nhật Tân niềm vui trúng vụ, thì đối với làng hoa Tây Tựu (Hà Nội), người trồng hoa đang phấp phỏng về vụ hoa ly này, loại hoa người Tây Tựu trồng chủ lực để bán dịp Tết năm nay.
Anh Bùi Tiến Dũng, tổ 40, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội) chăm sóc một cây đào cổ thụ quý để chờ khách thuê dịp Tết. |
Ông Đỗ Đức Anh, tổ 7, phường Tây Tựu cho hay, làm hoa ly năm nay khả năng thất bại cao. Lúc mua giống hoa ly, giá từ 18.000 - 20.000 đồng/củ, giờ bán hoa chỉ được trên dưới 10.000 đồng/cây. “Mấy hôm nay trời nồm nên ai cũng sợ, cứ thời tiết nắng ấm này, vài ngày nữa ly nở hết thì bà con mất Tết”, ông An cho hay.
Vẫn theo ông Anh, với mong muốn làm giàu, hai năm lại đây, người trẻ của làng hoa Tây Tựu đua nhau cắm đất, vay ngân hàng lấy vốn đi các huyện xung quanh như Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất... thuê đất nông nghiệp với diện tích lớn để trồng hoa ly. Xu hướng này bùng phát ở làng hoa Tây Tựu là bởi 2 - 3 năm trước, có người đã làm theo cách đó và giàu lên, thu nhập 500 - 700 triệu đồng/vụ. Thấy cách làm hiệu quả, thanh niên Tây Tựu đua nhau vay vốn đi làm ăn lớn.
Anh Đặng Trần Dục, tổ 7, phường Tây Tựu kể, năm ngoái cũng mang 50 triệu đi thuê đất diện tích lớn để trồng ly. Nhưng khi sắp thu hoạch thì thời tiết không thuận, hoa nở không đúng ngày nên thua lỗ. Giờ hết vốn, quay lại làng, nhận lại ruộng của những bạn trẻ bỏ ruộng nhỏ đi thuê ruộng lớn làm ăn xa. Lý giải xu hướng bỏ làng đi làm ăn xa, anh Dục cho biết, làm bất kể hoa gì, dù là cúc, hồng hay ly thì diện tích mà chỉ có 4 sào trở xuống thì chỉ đủ ăn. Ít nhất cũng phải 8 sào trở lên mới có lãi. Nếu trúng vụ, mức lãi sẽ khoảng 30 - 40 triệu/sào. Nhưng nếu lỗ thì cũng tương tự vậy. Chính vì năm nay làm hoa ly trong bối cảnh thời tiết không thuận, hoa có nguy cơ nở sớm, giá rẻ nên người làng Tây Tựu mới lo lắng sự thành, bại của lớp trẻ đang đi làm ăn xa.
Ông Đỗ Đức Anh chia sẻ, trong làm ăn, kinh doanh, thua thắng là chuyện thường. Nhất là nghề làm hoa ở các tỉnh phía Bắc nói chung và Tây Tựu nói riêng bởi được, mất vẫn nhờ... thời tiết. Hơn nữa, vốn làm hoa cũng không lớn, cùng lắm mất vốn thì quay lại làng trở lại với ruộng của gia đình, chăm chỉ cày cuốc vài vụ trả nợ ngân hàng là xong. “Chúng tôi già rồi thì không dám làm liều, bọn trẻ nó còn sung sức, thua keo này, nó sẽ bày keo khác...”, ông Anh nói.
Theo người trồng hoa Tây Tựu, dù có mất trắng vụ hoa ly dịp Tết Bính Thân này thì người làm hoa Tây Tựu cũng không vì thế mà kém vui hay không ăn Tết. Bởi với làng hoa Tây Tựu, khoảng 20 năm lại đây, khi người làng chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng hoa tươi, đời sống kinh tế cải thiện rõ rệt. Ví như những người trẻ, mang vốn đi thuê đất làm ăn xa, ai cũng mua được ô tô tải để thuận lợi trong việc chở hoa đi chợ Quảng Bá bán.
Chuyện ăn Tết của người làng hoa, bà Nguyễn Thị Dậu, cụm 7, phường Tây Tựu cho hay, với người làm nghề trồng hoa Tết thì bán hoa xong lúc nào, nghỉ Tết lúc đó. Đặc biệt là nghề trồng hoa Tết không kiêng cữ là mùng 1 Tết phải nghỉ hay phải hết Tết mới đi làm, cứ hoa ở ruộng nở là ra cắt mang đi bán.
Còn anh Trần Tiến Dũng ở Nhật Tân chia sẻ, đối với mọi người, sau ba ngày Tết, dư âm còn kéo dài, mọi người vẫn tiếp tục đi lễ chùa, du xuân vãn cảnh... nhưng với những người trồng đào Nhật Tân hay trồng quất cảnh ở Tứ Liên, họ đã tất bật ngay từ mùng 5 Tết. Những cây đào, cây quất sau Tết chưa kịp tàn hoa, gia chủ đã gọi người trồng đào, quất đến chở về để đỡ “đen” - đầu năm không để hoa tàn, cây héo trong nhà. Hết khu vực này gọi lại đến khu vực khác, mỗi vườn thu đủ số cây cho thuê dịp Tết cũng phải hết tháng Giêng. Tháng hai là tháng người trồng đào phải tận lực phục hồi lại cho cây. Từ tháng ba, người trồng đào, quất mới thực sự được nghỉ ngơi.