Làng hoa Hạ Lôi chuyển hướng sản xuất thích ứng với dịch bệnh

Người trồng hoa làng Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) đã có sự sáng tạo, chuyển hướng cơ cấu cây trồng để thích ứng với diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Làng hoa Hạ Lôi lớn và lâu năm nhất huyện Mê Linh, Hà Nội. Năm 2017 làng hoa, cây cảnh này đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề. Hai năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, người trồng hoa làng Hạ Lôi đã có sự sáng tạo, chuyển hướng cơ cấu cây trồng để thích ứng với diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Hoa Hạ Lôi được vận chuyển đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. 

Trước đây đến cánh đồng thôn Hạ Lôi bạt ngàn những giống hoa truyền thống như: đồng tiền, cúc, hoa ly, loa kèn, hồng Đà Lạt… Các loại hoa trên phần lớn được trồng để cắt cành, bán bông. Còn hiện tại, cánh đồng hoa Hạ Lôi đã được chăm sóc với công nghệ tưới tự động, có nhiều sắc màu, kiểu dáng cây sinh động. Phía bờ ruộng những chiếc xe tải chực chờ đưa hoa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành.

Còn nhớ năm 2020 thôn Hạ Lôi bị phong tỏa 28 ngày do có 4 trường hợp nhiễm COVID-19. Khi ấy, các con đường trong thôn Hạ Lôi im ắng, hầu hết người dân không ra đường để phòng, chống dịch. Trên cánh đồng hoa rộng hơn 200 ha ngày đó chỉ có lác đác vài người dân ra đồng chăm sóc.

Nhiều vườn hoa sắp đến kỳ thu hoạch có nguy cơ bị bỏ hoang do mọi hoạt động giao thương bị ngưng trệ. Các loại hoa hồng, hoa cúc, hoa ly bị quá lứa, nở bung tàn úa và héo rũ khắp cả ruộng. Sau khi hết giãn cách, người dân ở đây trở lại đồng ruộng của mình đã phải tốn công cắt bỏ hết hoa, cành, thậm chí cắt cả thân cây tới tận gốc để chuẩn bị cho lứa hoa mới.

Theo người dân với cách làm truyền thống trồng hoa cắt cành để bán, đầu tư giống vốn ít nhưng lợi nhuận không cao và có phần bấp bênh khi dịch bệnh xuất hiện.

Bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra từ sau đợt phong tỏa ấy, nhiều người trồng hoa ở Hạ Lôi đã trăn trở và rút ra kinh nghiệm để tìm hướng đi mới cho làng nghề, thích ứng với dịch COVID-19. Hiện người dân Hạ Lôi đã chuyển mạnh sang trồng hoa chậu, bon sai, cây hoa thế.

Là một người trồng hoa lâu năm, anh Quách Quang Hải, thôn Hạ Lôi cho biết, trước đây anh cũng như nhiều hộ dân khác thường trồng hoa hồng để cắt cành, bán bông. Nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong trường hợp bị cách ly phong tỏa sẽ không thể thu hoạch được lứa hoa nên rất thiệt hại. Xuất phát từ thực tế trên, từ cuối năm 2021, anh cùng nhiều hộ dân khác trong thôn đã mở rộng hơn diện tích trồng hoa hồng bán chậu. Lý giải về điều này, anh Quách Quang Hải cho hay, lợi thế của trồng hoa hồng bán chậu không phụ thuộc nhiều vào thời điểm thu hoạch, cũng như thời gian chăm sóc.

Chú thích ảnh
Người trồng hoa Hạ Lôi chăm sóc hoa phục vụ Tết Nhâm Dần 2021. Ảnh: TTXVN

Trong trường hợp không may bị dịch bệnh xảy ra, người trồng không bị ảnh hưởng nhiều như trồng hoa hồng cắt bông. Vì hoa hồng trồng chậu, càng để lâu cây càng to và có giá trị càng lớn nên không quá lo khi dịch bệnh. Hoa hồng thế, đầu tư khoảng 1,9 - 2 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 3 - 3,5 tỷ đồng/ha/năm, một năm trồng 2 vụ".

Anh Hải phân tích thêm, giá thành của hoa chậu không quá cao, dao động từ 100.000-200.000 đồng/chậu. Người mua có thể vừa chơi vừa trải nghiệm quá trình chăm sóc cây hoa. Hơn nữa, cây hoa có thể sử dụng ở nhiều bối cảnh không gian khác nhau, lại có thể chơi lâu nên đang được nhiều người lựa chọn hơn. Hiện gia đình anh đang tập trung chăm sóc hàng nghìn chậu hoa hồng các loại và đã và đang có nhiều khách đặt mua mang đi một số tỉnh thành phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022.

Tại mảnh vườn khoảng hơn 5.000 m2, cạnh tuyến đường quốc lộ 23B, những ngày này bà Nguyễn Thị Phượng, xóm Bàng thôn Hạ Lôi đang dùng kéo cắt tỉa cho những cây hoa hồng chậu, hoa hồng thế với hi vọng về một vụ hoa Tết được mùa được giá. Bà Phượng chia sẻ, ở thời điểm này, giá hoa đang hạ hơn so với mọi năm do tình hình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, người trồng hoa Hạ Lôi cũng không bỏ hoa, đang tiếp tục chăm sóc cho cây hoa sinh trưởng, đẹp nhất để kịp phục vụ Tết. Xu hướng năm nay của người trồng hoa Hạ Lôi bên cạnh hoa cắt bông thì đã chuyển nhiều sang trồng hoa chậu, hoa thế. Việc chuyển đổi tuy có tốn kém về vốn hơn so với cách trồng truyền thống trước đây nhưng sẽ hạn chế được rủi ro trong trường hợp dịch bệnh kéo dài.

Theo UBND xã Mê Linh, diện tích trồng hoa chậu, hoa cảnh, hoa thế, hoa chất lượng cao tại địa phương này đang có xu tăng hơn so với trồng hoa cắm lọ. Toàn xã có 242 ha, riêng hoa hồng chiếm tới hơn 95% diện tích với 213 ha; trong đó hoa hồng cảnh, hoa hồng thế là 12 ha. Còn lại là hoa cúc 4 ha, hoa ly 9 ha, hoa loa kèn, 4 ha, cùng các loại hoa khác. Cho biết về sự khác biệt này, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh thông tin, thời gian gần đây do định hướng của địa phương, người dân đã chuyển dần sang trồng các giống hoa có chất lượng cao, thế dáng đẹp mắt, thu nhập cao.

Vị Chủ tịch Hội Nông dân xã thông tin thêm, nhờ hoa có chất lượng đẹp, kiểu dáng, một số hộ dân ở xã Mê Linh xuất khẩu nhiều loại hoa hồng sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên số lượng chưa được nhiều và thường xuyên.

Để cây hoa Hạ Lôi tiếp tục phát triển và khẳng định thương hiệu với thị trường trong và ngoài nước, ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, cần có chuỗi liên kết tiêu thụ hoa để tránh được tình trạng được mùa rớt giá. Việc bảo quản sau thu hoạch cũng cần được quan tâm.

Vì hiện nay dịch bệnh diễn biến khó lường nên hệ thống kho lạnh, nhà lạnh rất cần cho hoa để bảo quản củ giống, bảo quản hoa nhất là đối với các loại hoa cao cấp như: hoa lan, hoa ly, loa kèn tuy líp, hoa hồng…và hoa thương phẩm khác. Ông Phương nêu thực trạng, các hệ thống kho lạnh, nhà lạnh hiện nay đang được lắp đặt bảo quản trong hộ gia đình nhỏ lẻ, công suất máy, khối lượng nhỏ chưa đáp ứng được số lượng hoa, củ giống hoa rất lớn của bà con nông dân.

Chú thích ảnh
Ngoài những giống hoa truyền thống, người dân Hạ Lôi đã đưa những giống hoa mới ngoại nhập vào trồng.

Về định hướng sản xuất hoa của Hạ Lôi nói riêng và toàn huyện Mê Linh nói chung trong thời gian tới, theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, huyện vẫn khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất hoa cho hiệu quả kinh tế cao; quan tâm chuyển đổi cơ cấu giống hoa; trong đó, chú trọng các loại hoa có năng suất, chất lượng cao.

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tập huấn cho nông dân về quy trình, kỹ thuật sản xuất và bảo quản hoa sau thu hoạch, huyện sẽ tăng cường đầu tư hạ tầng sản xuất; duy trì nhãn hiệu tập thể hoa Mê Linh và xây dựng chợ đầu mối hoa, nông sản cấp vùng để giúp người dân thuận tiện trong việc tiêu thụ, giao thương hàng hóa.

Bài và ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)
Làng hoa Xuân Quan sôi động trở lại sau những ngày giãn cách
Làng hoa Xuân Quan sôi động trở lại sau những ngày giãn cách

Xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên được nhiều người biết đến bởi nghề trồng hoa cây cảnh, nổi tiếng trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN